Thời hạn công chức làm việc tại Bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp huyện là bao lâu theo quy định pháp luật hiện nay?
Công chức làm việc tại Bộ phận một cửa ở Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ do cơ quan nào quyết định?
Căn cứ Điều 7 Thông tư 01/2018/TT-VPCP quy định về việc phê duyệt nhân sự được cử làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp như sau:
Phê duyệt nhân sự được cử làm việc tại Bộ phận Một cửa các cấp
1. Tại bộ, cơ quan ngang bộ, trên cơ sở phương án nhân sự theo đề xuất của các Tổng cục hoặc tương đương, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc bộ, Văn phòng bộ tổng hợp, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phê duyệt danh sách nhân sự được cử ra Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả và theo dõi việc thực hiện. Phương án nhân sự do các đơn vị xây dựng bao gồm danh sách nhân sự chính thức, nhân sự dự phòng, nhiệm vụ cụ thể, thời gian cử dự kiến.
Trường hợp tổ chức Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại Tổng cục hoặc tương đương, Cục thì người đứng đầu đơn vị phê duyệt danh sách nhân sự được cử ra Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả.
2. Tại cấp tỉnh, trên cơ sở phương án nhân sự theo đề xuất của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (bao gồm danh sách nhân sự chính thức, nhân sự dự phòng, nhiệm vụ cụ thể, thời gian cử dự kiến), Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh sách nhân sự được cử ra Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, trong đó 01 Phó Giám đốc Trung tâm là lãnh đạo phòng phụ trách công tác kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trường hợp cấp tỉnh chưa thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công, người đứng đầu cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quyết định danh sách nhân sự được cử ra Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả tại cơ quan chuyên môn.
3. Tại cấp huyện
Phòng, ban chuyên môn cấp huyện xây dựng phương án nhân sự gửi Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp danh sách nhân sự cử đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Người đứng đầu Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện là lãnh đạo Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện và là đầu mối theo dõi công tác kiểm soát thủ tục hành chính.
...
Như vậy, đối với việc lựa chọn công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa thì phòng, ban chuyên môn cấp huyện xây dựng phương án nhân sự gửi Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp danh sách nhân sự cử đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.
Bộ phận một cửa (Hình từ Internet)
Công chức được phân công làm việc tại Bộ phận một cửa cần phải có những trách nhiệm gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 11 Nghị định 61/2018/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 107/2021/NĐ-CP) thì công chức được phân công làm việc tại Bộ phận một cửa sẽ có một số trách nhiệm như:
(1) Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
(2) Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính;
(3) Hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính đầy đủ, rõ ràng, chính xác; trường hợp phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung một lần;
(4) Tiếp nhận, số hóa, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ, theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định; cập nhật hồ sơ đã tiếp nhận vào phần mềm quản lý và cấp mã số hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân;
(5) Chủ động tham mưu, đề xuất sáng kiến cải tiến việc giải quyết thủ tục hành chính; kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung, thay đổi hoặc hủy bỏ, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính trái pháp luật, không khả thi hoặc không phù hợp với tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương;
(6) Mặc đồng phục hoặc trang phục ngành theo quy định, đeo Thẻ công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ;
(7) Sinh hoạt chuyên môn, đảng, đoàn thể, bình xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật tại cơ quan đã cử đến Bộ phận Một cửa;
(8) Thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan.
Thời hạn công chức làm việc tại Bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân cấp huyện là bao lâu?
Căn cứ khoản 4 Điều 11 Nghị định 61/2018/NĐ-CP quy định về thời hạn công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa như sau:
Tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền lợi, thời hạn làm việc của công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa
...
4. Thời hạn làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến Bộ phận Một cửa
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời hạn thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến Bộ phận Một cửa cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện không ít hơn 06 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt; trừ trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 12 Nghị định này.
Theo đó, thời hạn công chức làm việc tại Bộ phần Một cửa sẽ không ít hơn 06 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt; trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 12 Nghị định 61/2018/NĐ-CP.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Kinh phí khuyến công quốc gia đảm bảo chi cho những hoạt động khuyến công do cơ quan nào thực hiện?
- Người nộp thuế có được yêu cầu cơ quan quản lý thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình không?
- 1 năm có bao nhiêu tuần học? Nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học 2024 2025 của các địa phương ra sao?
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?