Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017: Bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định về đối tượng, mức đóng và phương thức đóng như thế nào?
Đối tượng nào thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc?
Tại Điều 4 Quy trình Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định về đối tượng tham gia theo quy định tại Điều 2 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
"1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:
1.1. Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
1.2. Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);
1.3. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;
1.4. Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đối với trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH tỉnh;
1.5. Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
1.6. Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;
1.7. Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc được áp dụng đối với các hợp đồng sau:
a) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
c) Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
d) Hợp đồng cá nhân.
1.8. Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH;
1.9. Người lao động quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 và 1.6 Khoản này được cử đi học, thực tập, công tác trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương ở trong nước thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc;
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam. Trường hợp người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. (Khoản này được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020)
3. Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo HĐLĐ.
4. Người lao động quy định tại các Điểm 1.1 và 1.2 Khoản 1 Điều này là người giúp việc gia đình và người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng và trợ cấp hằng tháng dưới đây thì không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc:
a) Người đang hưởng lương hưu hằng tháng;
b) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 50/CP ngày 26/7/1995 của Chính phủ về chế độ sinh hoạt phí đối với cán bộ xã, phường, thị trấn;
c) Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
d) Người đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04/8/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp cho những người đã hết tuổi lao động tại thời điểm ngừng hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp hàng tháng cho những người có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động;
đ) Quân nhân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 quy định về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ có dưới 20 năm công tác trong Công an nhân dân đã thôi việc, xuất ngũ về địa phương; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc."
Bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định về đối tượng, mức đóng và phương thức đóng
Mức đóng và trách nhiệm đóng BHXH đối với người lao động và đơn vị được quy định như thế nào?
Tại Điều 5 Quy trình Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 quy định về các mức đóng và trách nhiệm đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
Về mức đóng và trách nhiệm đóng của người lao động
- Người lao động quy định tại Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5, và Tiết b Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Người lao động quy định tại Điểm 1.6 Khoản 1 Điều 4, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Người lao động quy định tại Tiết a, c và Tiết d Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4: mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.
- Người lao động quy định tại Điểm 1.8 Khoản 1 Điều 4: Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước đó đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.
- Người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 4: Từ ngày 01/01/2022, người lao động hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất. (Điểm này được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020)
- Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều 4 và người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hằng tháng: mức đóng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi nghỉ việc hoặc chết vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Đơn vị hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng BHXH của người lao động quy định tại Khoản 2 Điều 4 như sau (Khoản này được bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020)
+ 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
+ 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01/01/2022
Quy định về các phương thức đóng BHXH
Phương thức đóng theo quy định tại Điều 85, Điều 86 Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể tại Điều 7 Quy trình Thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 như sau:
Thứ nhất, đóng hằng tháng
Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của từng người lao động theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Thứ hai, đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần (Khoản này được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020)
Đơn vị là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì đăng ký phương thức đóng 03 hoặc 06 tháng một lần với cơ quan BHXH; cơ quan BHXH phối hợp với cơ quan Lao động kiểm tra tại đơn vị trước khi quyết định phương thức đóng của đơn vị. Chậm nhất đến ngày cuối cùng của phương thức đóng, đơn vị phải chuyển đủ tiền vào quỹ BHXH.
Thứ ba, đóng theo địa bàn
- Đơn vị đóng trụ sở chính ở địa bàn tỉnh nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của BHXH tỉnh.
- Chi nhánh của doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào thì đóng BHXH tại địa bàn đó hoặc đóng tại Công ty mẹ. (Điểm này được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Quyết định 888/QĐ-BHXH năm 2018)
- Đối với người lao động quy định tại Tiết a, c và d Điểm 1.7 Khoản 1 Điều 4, phương thức đóng là 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Người lao động đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH trước khi đi làm việc ở nước ngoài hoặc đóng qua đơn vị, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
(1) Trường hợp đóng qua đơn vị, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì đơn vị, tổ chức sự nghiệp thu, nộp BHXH cho người lao động và đăng ký phương thức đóng cho cơ quan BHXH.
(2) Trường hợp người lao động được gia hạn hợp đồng hoặc ký HĐLĐ mới ngay tại nước tiếp nhận lao động thì thực hiện đóng BHXH theo phương thức quy định tại Điều này hoặc truy nộp cho cơ quan BHXH sau khi về nước.
- Đối với người lao động quy định tại Điểm 1.8 Khoản 1 Điều 4 thực hiện đóng hằng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần thông qua đơn vị quản lý cán bộ, công chức có phu nhân hoặc phu quân để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Đối với trường hợp đóng cho thời gian còn thiếu không quá 06 tháng quy định tại Điểm 1.6 Khoản 1 Điều 5
(1) Người lao động đóng một lần cho số tháng còn thiếu thông qua đơn vị trước khi nghỉ việc.
(2) Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH bắt buộc hoặc thân nhân của người lao động chết đóng một lần cho số tháng còn thiếu tại cơ quan BHXH huyện nơi cư trú.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu báo cáo tổng hợp Tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN là mẫu nào? Hướng dẫn chi tiết cách ghi?
- Tải về mẫu thông báo tình hình biến động lao động tháng 11 chuẩn? Hướng dẫn chi tiết cách ghi mẫu?
- Hướng dẫn thực hiện bản cam kết tu dưỡng rèn luyện phấn đấu đối với cán bộ, Đảng viên chuẩn Công văn 2952?
- Báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng dành do cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất là mẫu nào? Hướng dẫn điền?
- Điều kiện hành nghề công tác xã hội là gì? Thời lượng tham gia khóa đào tạo cập nhật kiến thức công tác xã hội?