Thẻ an toàn lao động được cấp cho đối tượng nào? Thời hạn của Thẻ an toàn lao động là bao lâu theo quy định?
Những đối tượng nào phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động? Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là gì?
Những đối tượng nào phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động?
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP thì những đối tượng sau phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động:
Nhóm 1: Người đứng đầu đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh và phòng, ban, chi nhánh trực thuộc; phụ trách bộ phận sản xuất, kinh doanh, kỹ thuật; quản đốc phân xưởng hoặc tương đương; cấp phó của người đứng đầu theo quy định tại Khoản này được giao nhiệm vụ phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động bao gồm: Chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở; người trực tiếp giám sát về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm 1, 3, 5, 6 quy định tại khoản này, bao gồm cả người học nghề, tập nghề, thử việc để làm việc cho người sử dụng lao động.
Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
Nhóm 6: An toàn, vệ sinh viên theo quy định tại Điều 74 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là gì?
Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại Điều 5 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, cụ thể như sau:
- Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.
- Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.
- Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.
Trong đó, theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì:
An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.
Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.
Thẻ an toàn lao động được cấp cho đối tượng nào? (Hình từ Internet)
Thẻ an toàn lao động được cấp cho đối tượng nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 24 Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP về quản lý việc cấp giấy chứng nhận huấn luyện, thẻ an toàn:
Quản lý việc cấp giấy chứng nhận huấn luyện, thẻ an toàn
1. Cấp Giấy chứng nhận huấn luyện
a) Tổ chức huấn luyện, doanh nghiệp đủ điều kiện tự huấn luyện cấp Giấy chứng nhận huấn luyện cho người được huấn luyện thuộc các nhóm 1, 2, 5 và 6 sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu;
b) Giấy chứng nhận huấn luyện theo Mẫu số 08 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Cấp Thẻ an toàn
a) Người sử dụng lao động cấp Thẻ an toàn cho người được huấn luyện thuộc nhóm 3 sau khi kiểm tra đạt yêu cầu. Tổ chức huấn luyện cấp Thẻ an toàn cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
b) Thẻ an toàn theo Mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.
...
Như vậy, người sử dụng lao động cấp Thẻ an toàn lao động cho người được huấn luyện thuộc nhóm 3 sau khi kiểm tra đạt yêu cầu.
Trong đó, người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động thuộc nhóm 3 là:
Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Tổ chức huấn luyện cấp Thẻ an toàn lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động;
Thời hạn của Thẻ an toàn lao động là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 25 Nghị định 44/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP thì:
Thời hạn của Thẻ an toàn lao động là 02 năm.
Lưu ý: Trong vòng 30 ngày, trước khi Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn hết hạn, người sử dụng lao động lập danh sách những người được cấp kèm theo kết quả huấn luyện hoặc giấy tờ chứng minh việc cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định này gửi tổ chức huấn luyện hoặc doanh nghiệp tự huấn luyện theo quy định tại Điều 26 và Điều 29 Nghị định này. Nếu kết quả huấn luyện đạt yêu cầu thì được cấp Giấy chứng nhận huấn luyện, Thẻ an toàn mới theo quy định tại Nghị định này.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- 5+ mẫu thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 online đẹp, chuyên nghiệp? Tạo thiệp thông báo nghỉ Tết Âm lịch 2025 thế nào?
- Toàn bộ Công văn 7619-CV/BTCTW hướng dẫn khung Quy chế làm việc mẫu của cấp ủy cơ sở? Tải Công văn 7619?
- Ngày đẹp bao sái bàn thờ năm 2025? Bao sái bàn thờ năm 2025 ngày nào? Nghỉ tết 2025 người lao động được nghỉ bao nhiêu ngày nghỉ hưởng nguyên lương?
- Mẫu Quyết định khen thưởng nhân viên xuất sắc dịp Tết cuối năm? Tải về Mẫu Quyết định khen thưởng?
- Từ năm 2025, rời khỏi hiện trường sau khi gây tai nạn giao thông, người lái xe máy sẽ bị phạt bao nhiêu?