Thành lập cơ sở đóng mới và hoán cải tàu biển phải đáp ứng những điều kiện gì? Trình tự thủ tục ra sao?
Điều kiện của cơ sở đóng mới tàu biển quy định thế nào?
Theo Điều 45 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định cơ sở đóng mới tàu biển là doanh nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp; có phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với chủng loại, kích cỡ tàu biển được đóng mới, sửa chữa;
- Có bộ phận giám sát, quản lý chất lượng để bảo đảm sản phẩm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định;
- Có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh;
- Có phương án bảo đảm phòng, chống cháy, nổ, an toàn, vệ sinh lao động và kế hoạch phòng, chống ô nhiễm môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Cơ sở đóng mới tàu biển
Điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải tàu biển
*Điều kiện về cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ đóng tàu
Tại Điều 5 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về cán bộ kỹ thuật, kiểm tra chất lượng và thợ đóng tàu như sau:
- Cơ sở đóng tàu phải có bộ phận kỹ thuật và bộ phận kiểm tra chất lượng riêng biệt đáp ứng yêu cầu đóng mới, hoán cải tàu biển, với số lượng cán bộ tối thiểu của mỗi bộ phận, cụ thể như sau:
+ Đối với cơ sở đóng tàu loại 1: 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 04 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy;
+ Đối với cơ sở đóng tàu loại 2: 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy, 02 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành máy tàu thủy và 01 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tàu thủy.
- Cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng phải có tối thiểu 24 tháng kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng mới, hoán cải hoặc sửa chữa tàu biển.
- Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 05 thợ hàn kim loại, 02 thợ cơ khí, 03 thợ điện và 03 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển. Thợ hàn kim loại phải có chứng chỉ chứng nhận trình độ chuyên môn phù hợp theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng tàu biển hoặc tương đương.
- Cơ sở đóng tàu với thân tàu bằng vật liệu phi kim loại phải đảm bảo có tối thiểu 03 thợ chế tạo vỏ tàu thủy, 01 thợ cơ khí, 01 thợ điện và 02 thợ sơn phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.
*Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị
Đồng thời, tại Điều 6 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị như sau:
Đảm bảo có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển.
*Điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường
Ngoài ra, tại Điều 8 Nghị định 111/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 6 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường như sau:
- Đáp ứng các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ theo quy định của pháp luật.
- Đảm bảo có đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo quy định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên (Công ước MARPOL) và các điều kiện khác về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
*Điều kiện về hệ thống quản lý chất lượng
Điều 9 Nghị định 111/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 6 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định hệ thống quản lý chất lượng
- Cơ sở đóng tàu loại 1 phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương, hệ thống quản lý an toàn và môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001 hoặc tương đương trong thời gian 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện hoạt động và duy trì áp dụng trong suốt quá trình hoạt động.
- Cơ sở đóng tàu loại 2 phải thiết lập hệ thống quản lý chất lượng bao gồm các quy trình công việc đóng mới và hoán cải tàu biển theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương trong thời gian 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện hoạt động và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Thẩm quyền công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển
Tại Điều 15 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển như sau:
Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển theo quy định của Nghị định này và công bố danh sách các cơ sở đủ Điều kiện trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trình tự thủ tục công nhận cơ sở Đủ điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển
Và tại Điều 16 Nghị định 111/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 6 Nghị định 147/2018/NĐ-CP quy định hồ sơ, thủ tục công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển như sau:
(1) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác đến Cục Đăng kiểm Việt Nam.
(2) Hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển bao gồm:
a) Đơn đề nghị theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Mô tả cơ sở vật chất cần thiết liên quan đến sản xuất (sơ đồ cơ sở, văn phòng làm việc, nhà xưởng, nhà kho, các trang thiết bị sản xuất, các thiết bị đo và kiểm tra);
c) Tài liệu, hồ sơ về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;
d) Danh sách cán bộ kỹ thuật và kiểm tra chất lượng kèm bản sao chụp các chứng chỉ, bằng cấp có liên quan.
(3) Thủ tục công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển:
Bước 1: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam 01 bộ hồ sơ đề nghị công nhận cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển; trả các chi phí liên quan đến việc đánh giá, thẩm định theo quy định của pháp luật;
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định này; nếu hồ sơ hợp lệ thì trả lời bằng văn bản và thống nhất thời gian đánh giá thực tế tại cơ sở trong thời hạn không quá 05 ngày;
Bước 3: Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá thực tế tại cơ sở. Nếu kết quả đánh giá đạt, Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và công bố danh sách các cơ sở đủ Điều kiện trên trang thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.
Trường hợp kết quả đánh giá không đạt thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải có văn bản gửi cơ sở nêu rõ lý do không đạt trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá thực tế tại cơ sở.
Bên cạnh đó, Điều 17 Nghị định 111/2016/NĐ-CP quy định thời hạn hiệu lực của Thông báo cơ sở đủ Điều kiện đóng mới, hoán cải tàu biển là 05 năm tính từ ngày cấp.
Như vậy, muốn thành lập cơ sở đóng mới hoán cải tàu biển phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, nộp hồ sơ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam để được công nhận cơ sở đủ điều kiện đóng mới hoán cải tàu biển.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hoạt động xây dựng cần đáp ứng yêu cầu nào? Cần phải thể hiện đầy đủ nội dung nào?
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?