Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc xử lý vi phạm hành chính như thế nào?
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có được ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 36 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:
"Điều 36. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là người đứng đầu Ủy ban nhân dân xã và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân, các thành viên Ủy ban nhân dân xã;
2. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, pháp luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã; thực hiện các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác, phòng, chống quan liêu, tham nhũng; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản của cơ quan, tổ chức, bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; thực hiện các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật;
3. Quản lý và tổ chức sử dụng có hiệu quả công sở, tài sản, phương tiện làm việc và ngân sách nhà nước được giao theo quy định của pháp luật;
4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật, tiếp công dân theo quy định của pháp luật;
5. Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong phạm vi thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
6. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật;
7. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do cơ quan nhà nước cấp trên phân cấp, ủy quyền."
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có được ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn thay cho mình, tuy nhiên chỉ trong giới hạn được ủy quyền cũng như phạm vi thẩm quyền của Ủy ban nhân dân.
Ủy ban nhân dân
Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong xử lý vi phạm hành chính như thế nào?
Căn cứ theo quy đinh tại khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
"Điều 38. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.
..."
Ngoài ra tại Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 cũng có quy định:
Nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các điều từ 38 đến 51 của Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật này đối với chức danh đó.
Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 23 của Luật này, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành.
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều này được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.
...
Theo đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền xử phạt đến 5 triệu đồng đối với cá nhân và đến 10 triệu đồng đối với tổ chức.
Như các quy định trên thì cần xác định khung xử phạt từ 4-6 triệu là mức xử phạt đối với cá nhân hay tổ chức.Trường hợp, khung xử phạt này là đối với cá nhân thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã không có quyền xử phạt, nếu đối với tổ chức thì sẽ có quyền xử phạt.
Văn bản trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có bị bãi bỏ hay không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 8 Điều 33 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 như sau:
"Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân xã
...
5. Giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã; giám sát hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Ban của Hội đồng nhân dân cấp mình; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân cùng cấp.
6. Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân xã bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật này.
7. Bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân xã và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xã xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu.
8. Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã."
Theo đó, văn bản trái pháp luật của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã sẽ bị bãi bỏ bởi Hội đồng nhân dân, có thể là một phần hoặc toàn bộ văn bản trái pháp luật đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?
- Phụ lục Các nhóm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo Thông tư 10? Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng?