Tàu vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa phải đảm bảo các quy định an toàn như thế nào? Việc cứu nạn do tai nạn trên đường thủy nội địa phải đảm bảo các nguyên tắc gì?
- Tàu vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa phải đảm bảo các quy định an toàn như thế nào?
- Việc cứu nạn do tai nạn gây ra trên đường thủy nội địa phải đảm bảo các nguyên tắc gì theo quy định?
- Khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa trách nhiệm của cá nhân tổ chức được quy định như thế nào?
Tàu vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa phải đảm bảo các quy định an toàn như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 giải thích đường thủy nội địa là luồng, âu tàu, các công trình đưa phương tiện qua đập, thác trên sông, kênh, rạch hoặc luồng trên hồ, đầm, phá, vụng, vịnh, ven bờ biển, ra đảo, nối các đảo thuộc nội thuỷ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tổ chức quản lý, khai thác giao thông vận tải.
Phương tiện thuỷ nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa theo khoản 7 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004.
Về vấn đề này, tại Điều 7 Thông tư 42/2017/TT-BGTVT quy định như sau:
Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa
1. Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
2. Phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động - AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo theo quy định của pháp luật.
3. Trang bị đủ số lượng phao, áo phao cho du khách trên tàu.
4. Phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch phải đảm bảo nội thất và tiện nghi như sau:
a) Đối với phương tiện từ 12 ghế ngồi đến 20 ghế ngồi phải trang bị: Bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách; có biểu đồ hành trình tuyến du lịch; có thùng chứa đồ uống; thùng đựng rác.
b) Đối với phương tiện từ 20 ghế ngồi đến 50 ghế ngồi ngoài các quy định tại điểm a khoản này còn phải trang bị: dụng cụ chống nắng, micro; tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn theo danh mục quy định của Bộ Y tế; Khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống và khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ.
c) Đối với phương tiện từ trên 50 ghế ngồi trở lên ngoài các quy định tại điểm b khoản này phải trang bị: Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ hoặc quạt mát tương ứng với số khách du lịch được vận chuyển; phòng vệ sinh.
5. Đối với tàu thủy lưu trú du lịch thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, khi tiến hành hoạt động kinh doanh vận tải khách du lịch, về nguyên tắc các tàu chở khách phải đảm bảo các điều kiện theo quy định trên.
Đồng thời, tại Điều 25 Nghị định 168/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 5 Nghị định 142/2018/NĐ-CP quy định đối với tàu thủy lưu trú du lịch còn phải có khu vực đón tiếp khách, phòng ngủ (cabin), phòng tắm, phòng vệ sinh, bếp, phòng ăn và dịch vụ phục vụ ăn uống và có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.
Tàu vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa (Hình từ Internet)
Việc cứu nạn do tai nạn gây ra trên đường thủy nội địa phải đảm bảo các nguyên tắc gì theo quy định?
Tai nạn giao thông đường thủy nội địa là tai nạn xảy ra trên đường thủy nội địa, trong vùng nước cảng, bến thủy nội địa do đâm va hoặc sự cố liên quan đến phương tiện, tàu biển, tàu cá gây thiệt hại về người, tài sản, cản trở hoạt động giao thông hoặc gây ô nhiễm môi trường theo khoản 29 Điều 3 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004, được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014.
Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 được bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014 quy định:
Tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa
...
2. Cứu nạn đường thủy nội địa là hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, gồm cả việc sơ cứu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa đến vị trí an toàn.
...
Nguyên tắc, tổ chức hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa
1. Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Thông tin về tai nạn, sự cố, yêu cầu tìm kiếm, cứu nạn phải được thông báo kịp thời, chính xác cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa;
b) Tiến hành kịp thời, khẩn cấp bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn;
c) Ưu tiên cứu người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản;
d) Khi thực hiện tìm kiếm, cứu nạn phải bảo đảm an toàn đối với người và phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
2. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn có liên quan tổ chức tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
...
Theo đó, cứu nạn đường thủy nội địa là hoạt động cứu người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm đang đe dọa đến tính mạng của họ, gồm cả việc sơ cứu hoặc các biện pháp khác để đưa người bị nạn trên đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa đến vị trí an toàn.
Hoạt động tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa phải bảo đảm các nguyên tắc cụ thể tại khoản 1 Điều 98c nêu trên.
Khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa trách nhiệm của cá nhân tổ chức được quy định như thế nào?
Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 được bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014 quy định:
...
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa
1. Thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa hoặc phát hiện người, phương tiện bị nạn trên đường thủy nội địa phải tìm mọi biện pháp để kịp thời, khẩn cấp cứu người, phương tiện, tàu biển, tàu cá, tài sản bị nạn; báo cho cơ quan tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa gần nhất; xác định vị trí phương tiện bị tai nạn, sự cố, bảo vệ dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn, sự cố.
2. Cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa nhận được tin báo phải cử ngay người, phương tiện đến nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người, phương tiện bị nạn; được quyền huy động người, phương tiện để cứu vớt, cứu chữa người bị nạn, bảo vệ tài sản, phương tiện bị nạn, dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thông suốt; trường hợp tai nạn, sự cố gây nguy hại đến môi trường thì phải báo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
3. Cơ quan công an khi nhận được thông tin xảy ra tai nạn trên đường thủy nội địa phải kịp thời triển khai lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, cứu nạn; tiến hành điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi phát hiện người bị nạn có trách nhiệm chỉ đạo, huy động lực lượng bảo đảm an ninh trật tự, hỗ trợ giúp đỡ người bị nạn; trường hợp có người chết mà không rõ tung tích, không có thân nhân hoặc thân nhân không có khả năng chôn cất hoặc hỏa táng thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức chôn cất hoặc hỏa táng sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật.
...
Trách nhiệm của thuyền trưởng, người lái phương tiện và người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa, cơ quan, đơn vị tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa, cơ quan công an khi nhận được thông tin và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn được quy định cụ thể nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự là mẫu nào?
- Mẫu giấy phép xây dựng điều chỉnh cho công trình không theo tuyến theo Nghị định 175 thay thế Nghị định 15?
- Xe máy lắp gương thời trang có bị phạt không? Lắp gương thời trang bên trái bị phạt trong trường hợp nào?
- Ngày 24 1 có sự kiện gì? Ngày 24 1 cung gì? Ngày 24 1 CBCCVC đã được nghỉ Tết Nguyên đán Ất tỵ chưa?
- Mẫu bài phát biểu chia tay CBCCVC nghỉ hưu sớm do chính sách tinh giản biên chế? Tham khảo mẫu?