Tất cả phương tiện phòng cháy và chữa cháy bắt buộc phải được kiểm định có đúng không? Có phải thực hiện hằng tháng hay hằng năm hay không?
- Tất cả phương tiện phòng cháy và chữa cháy bắt buộc phải được kiểm định có đúng không?
- Có các phương tiện phòng cháy và chữa cháy nào phải thực hiện kiểm định?
- Việc kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thực hiện như thế nào?
- Việc thực hiện kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy có phải thực hiện hằng tháng hay hằng năm hay không?
Tất cả phương tiện phòng cháy và chữa cháy bắt buộc phải được kiểm định có đúng không?
Về kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
"Điều 38. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
1. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy là hoạt động theo quy trình của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để kiểm tra, đánh giá và chứng nhận sự phù hợp của phương tiện phòng cháy và chữa cháy với yêu cầu quy định trong quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy theo hướng dẫn của Bộ Công an.
2. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này được sản xuất mới, lắp ráp, hoán cải trong nước hoặc nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy."
Như vậy chỉ có các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này mới phải thực hiện kiểm định chứ không bắt buộc mọi phương tiện đều phải thực hiện.
Tất cả phương tiện phòng cháy và chữa cháy bắt buộc phải được kiểm định có đúng không? Có phải thực hiện hằng tháng hay hằng năm hay không? (Hình từ Internet)
Có các phương tiện phòng cháy và chữa cháy nào phải thực hiện kiểm định?
Căn cứ Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định danh mục các phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải thuộc diện kiểm định gồm:
- Xe chữa cháy; xe cứu nạn, cứu hộ; xe thang chữa cháy; xe trạm bơm; xe cung cấp chất khí chữa cháy; xe chở và nạp bình khí thở chữa cháy; xe hút khói; tàu, xuồng ca nô chữa cháy; máy nạp khí sạch.
- Máy bơm chữa cháy.
- Phương tiện chữa cháy thông dụng: Vòi chữa cháy; lăng chữa cháy; đầu nối, trụ nước chữa cháy; bình chữa cháy các loại.
- Chất chữa cháy gốc nước, chất tạo bọt chữa cháy.
- Mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy (cửa ngăn cháy, vách ngăn cháy, van ngăn cháy, màn ngăn cháy).
- Thiết bị thuộc hệ thống báo cháy: Tủ trung tâm báo cháy, đầu báo cháy các loại, chuông báo cháy, đèn báo cháy, nút ấn báo cháy.
- Thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy (bằng khí, sol-khí, nước, chất chữa cháy gốc nước, bọt, bột):
+ Tủ điều khiển hệ thống chữa cháy tự động;
+ Chuông, còi, đèn cảnh báo xả chất chữa cháy, nút ấn xả chất chữa cháy; van báo động, van tràn ngập, van chọn vùng, công tắc áp lực, công tắc dòng chảy;
+ Ống phi kim loại dùng trong hệ thống cấp nước chữa cháy, ống mềm dùng cho đầu phun chữa cháy;
+ Đầu phun chất chữa cháy các loại; chai chứa khí.
- Đèn chỉ dẫn thoát nạn, đèn chiếu sáng sự cố.
- Quần, áo, mũ, ủng, găng tay chữa cháy chuyên dụng.
Việc kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thực hiện như thế nào?
Về nội dung này được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
- Về nội dung kiểm định:
+ Kiểm định chủng loại, mẫu mã phương tiện phòng cháy và chữa cháy;
+ Kiểm định thông số kỹ thuật liên quan đến chất lượng phương tiện.
- Về phương thức kiểm định:
+ Kiểm tra số lượng, nguồn gốc xuất xứ, thời gian sản xuất, số sêri và các thông số kỹ thuật của phương tiện;
+ Kiểm tra chủng loại, mẫu mã phương tiện;
+ Kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy.
Mẫu phương tiện để kiểm định được lấy ngẫu nhiên theo phương pháp lấy mẫu quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Trường hợp chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định kiểm tra, thử nghiệm, thực nghiệm, đánh giá chất lượng mẫu phương tiện phòng cháy và chữa cháy thì thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn nước ngoài hoặc quốc tế được phép áp dụng tại Việt Nam.
Cho phép sử dụng kết quả kiểm định của các cơ quan, tổ chức nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp phép để xem xét cấp giấy chứng nhận kiểm định.
+ Đánh giá kết quả và lập biên bản kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC25).
Việc thực hiện kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy có phải thực hiện hằng tháng hay hằng năm hay không?
Việc kiểm định chỉ thực hiện một lần đối với một phương tiện phòng cháy và chữa cháy, chứ sẽ không thực hiện lặp lại định kỳ theo tháng hoặc năm, cụ thể được quy định tại điểm c khoản 10 Điều 38 Nghị định 136/2020/NĐ-CP như sau:
"Điều 38. Kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy
...
10. Thời hạn giải quyết hồ sơ:
...
c) Mỗi phương tiện phòng cháy và chữa cháy chỉ thực hiện kiểm định một lần và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC29) và dán tem kiểm định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy, đơn vị thực hiện kiểm định có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy tổ chức dán tem kiểm định lên phương tiện theo Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy đã cấp."
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu bao nhiêu lượt khách lưu trú thì được công nhận khu du lịch cấp tỉnh?
- Thông thầu bao gồm các hành vi nào? Người có hành vi thông thầu bị đi tù không? Mức phạt tù cao nhất đối với hành vi thông thầu?
- Thông quan là gì? Hàng hóa được thông quan khi nào? Cụ thể quyền, nghĩa vụ người khai hải quan?
- Tổ chức Đảng vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo gây hậu quả ít nghiêm trọng bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách trong trường hợp nào?
- 7 hành vi bị nghiêm cấm đối với người khai hải quan là những hành vi nào theo pháp luật hải quan?