Sản xuất thuốc thú y phải đáp ứng những điều kiện nào? Thủ tục thành lập cơ sở sản xuất thuốc thú y theo quy định của pháp luật

Tôi muốn thành lập cơ sở sản xuất thuốc thú y thì phải đáp ứng những điều kiện nào? Thủ tục thành lập cơ sở sản xuất thuốc thú y tiến hành như thế nào? Cơ sở sản xuất thuốc thú y được hưởng những quyền và thực hiện nghĩa vụ nào theo quy định của pháp luật. Mong nhận được giải đáp, xin cảm ơn.

Sản xuất thuốc thú y phải đáp ứng điều kiện nào?

Theo Điều 12 Nghị định 35/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2018/NĐ-CP) quy định về điều kiện chung đối với sản xuất thuốc thú y như sau:

* Tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc thú y phải thực hiện theo quy định tại Điều 90 của Luật thú y; pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; pháp luật về bảo vệ môi trường; pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và đáp ứng các Điều kiện sau đây:

(1) Địa điểm: Phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, công trình công cộng, bệnh viện, bệnh xá thú y, cơ sở chẩn đoán bệnh động vật, các nguồn gây ô nhiễm..

(2) Nhà xưởng:

- Phải có thiết kế phù hợp với quy mô và loại thuốc sản xuất, tránh sự xâm nhập của các loại côn trùng và động vật khác; có vị trí ngăn cách các nguồn lây nhiễm từ bên ngoài;

- Nền nhà không ngấm nước, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; tường, trần được làm bằng vật liệu bền, chắc, dễ vệ sinh;

- Có hệ thống cấp và xử lý nước, khí bảo đảm cho sản xuất; có hệ thống thoát nước, xử lý nước, khí thải, chất thải;

(3) Kho chứa đựng nguyên liệu, phụ liệu, thuốc thành phẩm có diện tích phù hợp với quy mô sản xuất và bảo đảm các Điều kiện sau đây:

- Có kho riêng để bảo quản nguyên liệu, phụ liệu, thuốc thành phẩm;

- Có kho riêng bên ngoài để bảo quản dung môi và nguyên liệu dễ cháy nổ;

- Tránh sự xâm nhập của các loại côn trùng và động vật khác;

- Nền, tường, trần như quy định tại điểm c khoản 2 Điều này;

- Có giá, kệ để nguyên liệu, phụ liệu, bao bì, thuốc thành phẩm; có thiết bị, phương tiện để bảo đảm Điều kiện bảo quản.

(4) Trang thiết bị, dụng cụ phải được bố trí, lắp đặt phù hợp với quy mô và loại thuốc sản xuất; có hướng dẫn vận hành; có kế hoạch bảo trì bảo dưỡng; có quy trình vệ sinh và bảo đảm đạt yêu cầu vệ sinh, không gây nhiễm hoặc nhiễm chéo giữa các sản phẩm.

(5) Kiểm tra chất lượng thuốc thú y:

- Khu vực kiểm tra chất lượng phải tách biệt với khu vực sản xuất; được bố trí phù hợp để tránh nhiễm chéo; các khu vực tiến hành phép thử sinh học, vi sinh;

- Mẫu, chất chuẩn phải được bảo quản tại khu vực riêng, bảo đảm Điều kiện bảo quản;

- Phải có trang thiết bị phù hợp.

* Đối với cơ sở sản xuất thuốc thú y dạng dược phẩm, vắc xin được quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2016/NĐ-CP:

Ngoài các điều kiện theo quy định tại Điều 12 Nghị định 35/2016/NĐ-CP, cơ sở sản xuất thuốc thú y dạng dược phẩm, vắc xin phải áp dụng thực hành tốt sản xuất thuốc của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (GMP - ASEAN) hoặc thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GMP - WHO) hoặc thực hành tốt sản xuất thuốc GMP tương đương nhưng không thấp hơn (GMP - ASEAN).

Sản xuất thuốc thú y phải đáp ứng những điều kiện nào?

Sản xuất thuốc thú y phải đáp ứng những điều kiện nào?

Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc được thực hiện như thế nào?

* Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc được quy định tại Điều 20 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Thông tư 18/2018/T-BNTPTNT) như sau:

- Mẫu đơn đăng ký cấp, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XIX, XXXI ban hành kèm theo Thông tư này.

- Bản thuyết minh chi Tiết về cơ sở vật chất, kỹ thuật sản xuất thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXI ban hành kèm theo Thông tư này,

- Mẫu biên bản kiểm tra Điều kiện sản xuất thuốc thú y và mẫu giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIII, XXV ban hành kèm theo Thông tư này.

- Mẫu đơn đăng ký cấp, gia hạn, cấp lại giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXVIII, XXXI ban hành kèm theo Thông tư này; mẫu biên bản kiểm tra thực hành tốt sản xuất thuốc thú y và mẫu giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc theo mẫu quy định tại Phụ lục XXIX, XXX ban hành kèm theo Thông tư này.

- Việc đánh giá sự phù hợp của sản phẩm thuốc thú y sản xuất trong nước được thực hiện theo phương thức 2 hoặc phương thức 5 quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (sau đây viết tắt là Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN). Trường hợp cơ sở sản xuất thuốc thú y đã có giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) do Cục Thú y cấp còn hiệu lực hoặc có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y do Cục Thú y cấp còn hiệu lực, không cần phải đánh giá quá trình sản xuất.

* Hồ sơ xin Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP đối với cơ sở sản xuất thuốc thú y dạng dược phẩm, vắc xin được quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 35/2016/NĐ-CP bao gồm:

- Đơn đăng ký kiểm tra GMP;

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

- Sơ đồ tổ chức và nhân sự của cơ sở;

- Chương trình, tài liệu đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo GMP tại cơ sở;

- Danh Mục thiết bị sản xuất, bảo quản và thiết bị kiểm tra chất lượng;

- Danh Mục các quy trình thao tác chuẩn;

- Danh Mục các mặt hàng đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất;

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phê duyệt;

- Biên bản tự thanh tra GMP;

- Cơ sở mới thành lập, đăng ký kiểm tra GMP phải nộp thêm Chứng chỉ hành nghề sản xuất của người phụ trách kỹ thuật và người phụ trách phòng kiểm nghiệm thuốc thú y.

Hồ sơ đăng ký kiểm tra GMP phải có trang bìa và Mục lục, được sắp xếp theo đúng trình tự của Mục lục, có phân cách giữa các phần.

* Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y được quy định tại khoản 2 Điều 96 Luật Thú y 2015 như sau:

- Tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc thú y nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y cho Cục Thú y;

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, nếu đủ điều kiện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra phải cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thuốc thú y; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

* Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP đối với cơ sở sản xuất thuốc thú y dạng dược phẩm, vắc xin được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 35/2016/NĐ-CP như sau:

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Cục Thú y thẩm định hồ sơ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ không đạt yêu cầu;

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra GMP, đồng thời thông báo lịch kiểm tra cho cơ sở và tiến hành kiểm tra;

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra, nếu cơ sở đạt yêu cầu Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận GMP, nếu cơ sở không đạt yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do không đạt yêu cầu.

Quá trình kiểm tra:

- Các cơ sở khi được kiểm tra GMP phải tiến hành báo cáo bằng sơ đồ, biểu đồ và các số liệu ngắn gọn về tình hình hoạt động, công tác triển khai áp dụng GMP;

- Khi kiểm tra GMP, các hoạt động phải đang được tiến hành;

- Kiểm tra toàn bộ các hoạt động của cơ sở sản xuất thuốc thú y theo GMP, hồ sơ đăng ký của cơ sở và các quy định chuyên môn hiện hành.

Xử lý kết quả kiểm tra:

- Trên cơ sở Biên bản kiểm tra, Trưởng Đoàn kiểm tra đề nghị Cục trưởng Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận GMP đối với cơ sở đáp ứng các Điều kiện của GMP;

- Đối với cơ sở đáp ứng Điều kiện của GMP nhưng còn một số tồn tại và có thể khắc phục được trong thời gian ngắn, Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở khắc phục, sửa chữa. Trong thời hạn 02 (hai) tháng kể từ ngày được kiểm tra, cơ sở phải khắc phục, sửa chữa và gửi báo cáo kết quả bằng văn bản về Cục Thú y. Trưởng Đoàn kiểm tra xem xét, đề nghị Cục trưởng Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận GMP cho cơ sở đáp ứng yêu cầu;

- Đối với cơ sở chưa đáp ứng Điều kiện của GMP phải tiến hành khắc phục, sửa chữa các tồn tại. Sau khi tự kiểm tra đánh giá, nếu đáp ứng các Điều kiện của GMP cơ sở tiến hành làm lại hồ sơ đăng ký theo quy định.

Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận GMP có giá trị trong thời hạn 05 năm. Trước 03 tháng tính đến ngày hết hạn của Giấy chứng nhận GMP, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sản xuất thuốc thú y nộp đơn đăng ký gia hạn Giấy chứng nhận. Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận GMP không phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện sản xuất thuốc thú y.

Cơ sở sản xuất thuốc thú y có quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Theo Điều 91 Luật Thú y 2015 quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất thú ý như sau:

- Cơ sở sản xuất thuốc thú y có quyền sau đây:

+ Sản xuất thuốc thú y đã có Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam;

+ Nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc thú y để sản xuất, tái xuất theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài; nhượng quyền theo hợp đồng;

+ Thông tin, quảng cáo thuốc thú y theo quy định của pháp luật về quảng cáo;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Cơ sở sản xuất thuốc thú y có nghĩa vụ sau đây:

+ Sản xuất thuốc thú y đúng tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở sản xuất thuốc thú y công bố;

+ Tuân thủ quy định về kiểm nghiệm, bảo quản, phân phối thuốc thú y và thực hành tốt sản xuất;

+ Chịu trách nhiệm về chất lượng thuốc thú y do cơ sở mình gây ra và chỉ được phép lưu hành thuốc thú y đạt chất lượng trên thị trường;

+ Lưu giữ mẫu thuốc thú y theo từng lô sản xuất trong thời hạn ít nhất 06 tháng, kể từ ngày thuốc thú y hết hạn sử dụng;

+ Theo dõi thuốc thú y do cơ sở mình sản xuất, khi phát hiện thuốc không bảo đảm yêu cầu theo quy định thì thông báo và thu hồi ngay toàn bộ thuốc thú y đó đang lưu hành trên thị trường;

+ Phải bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ sở mình gây ra theo quy định của pháp luật;

+ Cung cấp tài liệu cần thiết cho việc thanh tra, kiểm tra và đánh giá toàn bộ hoạt động sản xuất thuốc thú y theo quy định của pháp luật;

+ Chủ cơ sở sản xuất thuốc thú y phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, phòng ngừa tác dụng không mong muốn do thuốc thú y gây ra khi sử dụng; bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho người trực tiếp sản xuất thuốc thú y;

+ Chấp hành, thực hiện quy định của pháp luật khác về phòng, chống cháy nổ, hóa chất, an toàn lao động, môi trường.

Như vậy, tổ chức, cá nhân muốn thực hiện hoạt động sản xuất thuốc thú y phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định 35/2016/NĐ-CP và điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 123/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, đối với cơ sở sản xuất thuốc thú y dưới dạng dược phẩm, vắc xin của phải đáp ứng thêm điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2016/NĐ-CP. Việc thành lập cơ sở sản xuất thuốc thú y cũng cần đảm bảo các yêu cầu về hồ sơ và thực hiện trình tự cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Cơ sở sản xuất thuốc thú y khi hoạt động được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Sản xuất thuốc thú y Tải trọn bộ các văn bản hiện hành về Sản xuất thuốc thú y
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Thư viện nhà đất
Nếu có chứng chỉ hành nghề thú y, người đó có được phép sản xuất thuốc thú y theo quy định hiện hành?
Pháp luật
Công ty sản xuất thuốc thú y nộp hồ sơ tại đâu để đề nghị cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc thú y?
Pháp luật
Sản xuất thuốc thú y phải đáp ứng những điều kiện nào? Thủ tục thành lập cơ sở sản xuất thuốc thú y theo quy định của pháp luật
Pháp luật
Người trực tiếp sản xuất thuốc thú y có yêu cầu Chứng chỉ hành nghề thú y về sản xuất thuốc thú y không?
Pháp luật
Thành phần hồ sơ đăng ký gia hạn cấp Giấy chứng nhận GMP bao gồm những gì? Thu hồi Giấy chứng nhận GMP của tổ chức, cá nhân sản xuất thuốc thú y trong trường hợp nào?
Pháp luật
Thời gian hướng dẫn sửa đổi bổ sung hồ sơ cấp lại giấy chứng nhận thực hành tốt cơ sở sản xuất thuốc thú y là bao lâu?
Pháp luật
Bổ sung thêm hình thức nộp hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc thú y GMP?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sản xuất thuốc thú y
Trần Thị Huyền Trân Lưu bài viết
8,776 lượt xem

TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Sản xuất thuốc thú y

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Sản xuất thuốc thú y

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào