Quyền sở hữu tài sản là gì? Quyền sở hữu tài sản có thể được xác lập trong trường hợp chiếm hữu hay không?
Quyền sở hữu tài sản là gì?
Hiện nay, chưa có văn bản nào chỉ rõ khái niệm "quyền sở hữu tài sản là gì", tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền sở hữu tài sản có thể hiểu là quyền của một cá nhân hoặc tổ chức đối với tài sản của mình, bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản đó.
Trong đó:
(1) Quyền chiếm hữu của chủ sở hữu được quy định tại Điều 186 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
(2) Quyền sử dụng của chủ sở hữu được quy định tại Điều 190 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Chủ sở hữu được sử dụng tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Lưu ý:
+ Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
+ Quyền sử dụng có thể được chuyển giao cho người khác theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
(3) Quyền định đoạt của chủ sở hữu được quy định tại Điều 194 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Lưu ý: Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
Quyền sở hữu tài sản là gì? Quyền sở hữu tài sản có thể được xác lập trong trường hợp chiếm hữu hay không? (Hình từ Internet)
Quyền sở hữu tài sản có thể được xác lập trong trường hợp chiếm hữu hay không?
Quyền sở hữu tài sản có thể được xác lập trong trường hợp chiếm hữu hay không thì căn cứ quy định tại Điều 221 Bộ luật Dân sự 2015 thì quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản trong các trường hợp sau đây:
- Do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
- Được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.
- Thu hoa lợi, lợi tức.
- Tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến.
- Được thừa kế.
- Chiếm hữu trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên.
- Chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015.
- Trường hợp khác do luật quy định.
Như vậy, quyền sở hữu tài sản có thể được xác lập trong trường hợp chiếm hữu tài sản trong các điều kiện do pháp luật quy định đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy; tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên; gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên hoặc trường hợp chiếm hữu, được lợi về tài sản theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự 2015.
Quyền sở hữu tài sản có chấm dứt trong trường hợp chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình hay không?
Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu được quy định tại Điều 237 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Căn cứ chấm dứt quyền sở hữu
Quyền sở hữu chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Chủ sở hữu chuyển quyền sở hữu của mình cho người khác.
2. Chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình.
3. Tài sản đã được tiêu dùng hoặc bị tiêu hủy.
4. Tài sản bị xử lý để thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu.
5. Tài sản bị trưng mua.
6. Tài sản bị tịch thu.
7. Tài sản đã được xác lập quyền sở hữu cho người khác theo quy định của Bộ luật này.
8. Trường hợp khác do luật quy định.
Như vậy, trong trường hợp chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình thì quyền sở hữu tài sản chấm dứt.
Theo đó, tại Điều 239 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc từ bỏ quyền sở hữu như sau:
- Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.
- Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đề minh họa thi đánh giá năng lực Đại học Sư phạm Hà Nội 2025 kèm đáp án chính thức thế nào?
- Việc lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính phải tuân thủ nguyên tắc gì? Trình tự lập hồ sơ địa giới đơn vị hành chính gồm mấy bước?
- Nghị định 153/2024 quy định mức phí bảo vệ môi trường đối với khí thải từ ngày 5/1/2025 thế nào?
- Mẫu Sổ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai chuẩn Nghị định 99? Hướng dẫn ghi Sổ đăng ký thế chấp?
- Thông tư 12 2024 sửa đổi 10 Thông tư về tiền lương thù lao tiền thưởng người lao động? Thông tư 12 2024 có hiệu lực khi nào?