Quyền quyết định hạn mức bảo lãnh Chính phủ và hạn mức vay về cho vay lại hằng năm thuộc về cơ quan nào?
Chính phủ có quyền quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm hay không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Quản lý nợ công 2017 có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cụ thể như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ
1. Thống nhất quản lý nhà nước về nợ công.
2. Trình Quốc hội:
a) Quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm;
b) Quyết định, điều chỉnh tổng mức vay và trả nợ của ngân sách nhà nước hằng năm.
3. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
a) Cho ý kiến về đề án, dự án và báo cáo về quản lý nợ công;
b) Quyết định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc.
4. Quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm.
5. Phê duyệt Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
6. Báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước về tình hình nợ công, các chỉ tiêu an toàn nợ công.
Như vậy, Chính phủ có các quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định nêu trên. Theo đó, Chính phủ có quyền quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm.
Chính phủ có quyền quyết định hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ hằng năm hay không? (Hình từ Internet).
Đối tượng nào được bảo lãnh Chính phủ theo quy định?
Đối tượng được bảo lãnh Chính phủ được quy định tại Điều 41 Luật Quản lý nợ công 2017 và hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Nghị định 91/2018/NĐ-CP bao gồm:
- Doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công.
- Ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước.
Để được cấp bảo lãnh Chính phủ cần phải đáp ứng các điều kiện nào?
Theo quy định tại Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017, hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị định 91/2018/NĐ-CP có quy định về điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ cụ thể như sau:
(1) Đối với doanh nghiệp có dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (khoản 1, 3 Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017, khoản 1 Điều 5 Nghị định 91/2018/NĐ-CP)
- Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động liên tục ít nhất 03 năm trước ngày nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh, đề nghị cấp bảo lãnh;
- Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
- Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh, gồm nợ quá hạn với cơ quan cho vay lại được quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Quản lý nợ công 2017, nợ quá hạn với Quỹ Tích lũy trả nợ, nợ quá hạn với bên cho vay đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh, nợ quá hạn với các tổ chức tín dụng khác.
- Bảo đảm hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm gần nhất so với thời điểm thẩm định cấp bảo lãnh Chính phủ;
- Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
- Đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Có phương án tài chính dự án khả thi được Bộ Tài chính thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều 15 và khoản 1 Điều 20 Nghị định 91/2018/NĐ-CP;
- Có tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo kế hoạch bố trí vốn chủ sở hữu cụ thể theo tiến độ thực hiện dự án;
- Trong trường hợp phát hành trái phiếu, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về phát hành chứng khoán ra công chứng theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
(2) Đối với ngân hàng chính sách của Nhà nước thực hiện chương trình tín dụng của Nhà nước (khoản 2 Điều 43 Luật Quản lý nợ công 2017, khoản 2 Điều 5 Nghị định 91/2018/NĐ-CP)
- Được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, có chức năng huy động vốn để cho vay theo điều lệ được cấp có thẩm quyền ban hành;
- Khoản bảo lãnh nằm trong hạn mức bảo lãnh hằng năm đã được Chính phủ phê duyệt;
- Khoản vay được Chính phủ bảo lãnh được sử dụng để thực hiện, chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, các đối tượng được cấp bảo lãnh Chính phủ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện tương ứng để có thể được hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trong hợp đồng EPC, nhà thầu có phải chịu bồi thường rủi ro tổn hại thân thể đối với bất cứ người nào do nguyên nhân thi công không?
- Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu cấm nhập khẩu được quy định như thế nào? Hồ sơ cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa bao gồm?
- Chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam là gì? Công dân có quyền và nghĩa vụ gì về quốc phòng?
- https//baocaovien vn thi trực tuyến Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 đăng nhập thế nào?
- Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 23, Nghị định 24 hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 mới nhất?