Quấy rối bằng hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội có phải là quấy rối tình dục không? Có bị xử lý theo quy định hiện nay không?
Pháp luật định nghĩa như thế nào về quấy rối tình dục?
Hiện nay, quy định pháp luật chưa có định nghĩa như thế nào là quấy rối tình dục, tuy nhiên, căn cứ tại khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định định nghĩa về quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Đồng thời, căn cứ tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc; hoặc những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.
Quấy rối bằng hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội có phải là quấy rối tình dục không? Có bị xử lý theo quy định hiện nay không? (Hình từ Internet)
Trong đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;
- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Như vậy, có thể hiểu quấy rối tình dục là hành vi, lời nói hay phi lời nói có tính chất tình dục (bao gồm: hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục; lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục; ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử) của bất kỳ người nào đối với người khác mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Quấy rối bằng hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội có phải là quấy rối tình dục không?
Quấy rối bằng hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội cũng là một hình thức phổ biến của hành vi quấy rối tình dục. Theo đó, người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hành chính như sau:
Căn cứ tại điểm g khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng và buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm đối với một trong các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Quấy rối bằng hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hiện nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được Bộ luật Hình sự 2015 quy định cụ thể.
Tuy nhiên, nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác; thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau:
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, trường hợp người có hành vi quấy rối bằng hình ảnh nhạy cảm trên mạng xã hội mà xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự người khác và đáp ứng các điều kiện cấu thành tội làm nhục người khác thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Mức cao nhất đối với tội này có thể bị phạt tù đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải mẫu thông báo dữ liệu phản ánh vi phạm giao thông 2025? Ai tiếp nhận thông tin hình ảnh vi phạm giao thông do cá nhân cung cấp?
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?
- Cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới đối với công trình xây dựng thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được không?
- Mẫu công văn từ chối nhận hàng dành cho bên mua mới nhất? Bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng khi nào?
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm những gì?