Quan trắc môi trường là gì? Những tổ chức nào tham gia hệ thống quan trắc môi trường? Việc quan trắc nước thải, quan trắc bụi, khí thải công nghiệp được quy định như thế nào?
Quan trắc môi trường là gì?
Căn cứ khoản 25 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về khái niệm quan trắc môi trường như sau:
Quan trắc môi trường là việc theo dõi liên tục, định kỳ, đột xuất, có hệ thống về thành phần môi trường, các nhân tố tác động đến môi trường, chất thải nhằm cung cấp thông tin đánh giá hiện trạng môi trường, diễn biến chất lượng môi trường và tác động xấu đến môi trường.
Hệ thống quan trắc môi trường bao gồm những loại nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 107 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:
- Quan trắc môi trường quốc gia là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới;
- Quan trắc môi trường cấp tỉnh là mạng lưới các trạm, vị trí quan trắc môi trường nền và môi trường tác động phục vụ việc quan trắc, cung cấp thông tin chất lượng môi trường nền và môi trường tác động tại các khu vực trên địa bàn;
- Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại Điều 109 của Luật này;
- Quan trắc môi trường tại dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;
- Quan trắc đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên.
Quan trắc môi trường là gì?
Những tổ chức nào tham gia hệ thống quan trắc môi trường?
Căn cứ khoản 2 Điều 107 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về các tổ chức tham gia hệ thống quan trắc môi trường bao gồm:
- Cơ quan quản lý nhà nước về quan trắc môi trường;
- Tổ chức lấy mẫu, đo đạc mẫu môi trường tại hiện trường;
- Phòng thí nghiệm, phân tích mẫu môi trường;
- Tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị quan trắc môi trường;
- Tổ chức quản lý, xử lý số liệu và lập báo cáo kết quả quan trắc môi trường.
Những đối tượng nào phải được quan trắc môi trường?
Căn cứ Điều 108 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về đối tượng quan trắc môi trường như sau:
- Thành phần môi trường phải được quan trắc bao gồm:
+ Môi trường nước gồm nước mặt, nước dưới đất, nước biển;
+ Môi trường không khí xung quanh;
+ Môi trường đất, trầm tích;
+ Đa dạng sinh học;
+ Tiếng ồn, độ rung, bức xạ, ánh sáng.
- Nguồn thải, chất thải, chất ô nhiễm phải được quan trắc bao gồm:
+ Nước thải, khí thải;
+ Chất thải công nghiệp phải kiểm soát để phân định chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật;
+ Phóng xạ;
+ Chất ô nhiễm khó phân hủy phát thải và tích tụ trong môi trường;
+ Các chất ô nhiễm khác.
Việc quan trắc nước thải, quan trắc bụi và khí thải công nghiệp được quy định như thế nào?
(1) Quan trắc nước thải
Căn cứ Điều 111 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về quan trắc nước thải như sau:
- Đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục bao gồm:
+ Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;
+ Dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải trung bình trở lên ra môi trường;
+ Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.
- Đối tượng phải quan trắc nước thải định kỳ bao gồm:
+ Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;
+ Dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường.
- Việc quan trắc nước thải tự động, liên tục phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường. Dữ liệu của hệ thống quan trắc được truyền trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
- Việc quan trắc nước thải định kỳ phải bảo đảm thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ.
- Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
+ Giám sát dữ liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc nước thải tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về nước thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;
+ Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc nước thải tự động, liên tục trên địa bàn về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
- Khuyến khích đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện quan trắc nước thải để tự theo dõi, giám sát hệ thống, thiết bị xử lý nước thải của mình.
- Chính phủ quy định chi tiết đối tượng phải quan trắc nước thải; thông số, lộ trình thực hiện quan trắc nước thải tự động, liên tục; thời gian và tần suất quan trắc nước thải định kỳ.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về quan trắc nước thải.
(2) Quan trắc bụi và khí thải công nghiệp
Căn cứ Điều 112 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về quan trắc bụi và khí thải công nghiệp như sau:
- Đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục gồm dự án đầu tư, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí với lưu lượng xả bụi, khí thải lớn ra môi trường.
- Đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ gồm dự án đầu tư, cơ sở có lưu lượng xả thải lớn ra môi trường.
- Việc quan trắc bụi, khí thải công nghiệp tự động, liên tục phải đáp ứng quy định kỹ thuật về quan trắc môi trường. Dữ liệu của hệ thống quan trắc được truyền trực tiếp đến cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
- Việc quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ phải bảo đảm thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật. Đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ.
- Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
+ Giám sát dữ liệu quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; đánh giá kết quả quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục và so sánh với giá trị tối đa cho phép đối với các thông số ô nhiễm theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về khí thải; theo dõi, kiểm tra việc khắc phục trong trường hợp dữ liệu quan trắc bị gián đoạn; phát hiện thông số giám sát vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường và đề xuất biện pháp xử lý theo quy định;
+ Tổng hợp, truyền số liệu quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục trên địa bàn về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.
- Khuyến khích đối tượng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện quan trắc bụi, khí thải công nghiệp để tự theo dõi, giám sát hệ thống, thiết bị xử lý bụi, khí thải của mình.
- Chính phủ quy định chi tiết đối tượng phải quan trắc bụi, khí thải công nghiệp; thông số, lộ trình thực hiện quan trắc khí thải công nghiệp tự động, liên tục; thời gian và tần suất quan trắc bụi, khí thải công nghiệp định kỳ.
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định kỹ thuật về quan trắc bụi, khí thải công nghiệp.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bản vẽ thiết kế kỹ thuật trong hoạt động xây dựng cần đáp ứng yêu cầu nào? Cần phải thể hiện đầy đủ nội dung nào?
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?