Phần mềm crack là gì? Crack có vi phạm pháp luật không? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi tải và sử dụng phần mềm crack?
Phần mềm crack là gì? Crack có vi phạm pháp luật không?
Pháp luật Việt nam chưa có định nghĩa rõ ràng về “Phần mềm crack”. Crack có thể hình dung là hành động của lập trình viên bẻ khóa để truy cập vào phần mềm một cách lén lút, ăn trộm phần mềm, làm cho một sản phẩm phần mềm có đăng ký bản quyền, phải trả phí để có thể sử dụng trở thành miễn phí khi được kích hoạt.
Theo đó, phần mềm crack được hiểu đơn giản là các phần mềm trả phí đã được bẻ khóa, khi sử dụng các phần mềm đã được crack, người dùng được sử dụng tất cả các chức năng miễn phí và không bị giới hạn về thời gian.
Lưu ý: Thông tin nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo
Crack có vi phạm pháp luật không thì căn cứ khoản 12 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định:
Hành vi xâm phạm quyền tác giả
1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.
2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.
4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì Crack có thể được xem là một hành động can thiệp nhằm vô hiệu hoá tính năng bảo vệ bản quyền của nhà sản xuất.
Hay nói cách khác Crack có thể xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Phần mềm crack là gì?(Hình từ Internet)
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi crack phần mềm?
Căn cứ theo Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 27 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 có quy định như sau:
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
a) Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
b) Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 của Luật này hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
...
2. Chính phủ quy định cụ thể về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức, mức phạt và thủ tục xử phạt.
...
Dẫn chiếu đến Điều 20 Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP có quy định như sau:
Hành vi xâm phạm quyền áp dụng biện pháp công nghệ để tự bảo vệ quyền tác giả
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị hoặc hệ thống làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Buộc tái xuất tang vật vi phạm đối với hành vi nhập khẩu quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp không áp dụng được biện pháp buộc tái xuất thì áp dụng biện pháp buộc tiêu hủy.
Theo đó, hành vi cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật, công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi tải và sử dụng phần mềm crack?
Căn cứ khoản 2 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 có quy định như sau:
Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm:
...
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo quy định của Luật này.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này. Trường hợp làm tác phẩm phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
...
Như vậy, hành vi tải và sử dụng phần mềm crack là hành vi vi phạm quyền tài sản và hành vi trên được coi là hành vi sao chép và sử dụng phần mềm máy tính mà không sự xin phép chủ sở hữu.
Theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định:
Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử,trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Theo đó, hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với cá nhân, đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân. (Theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư có cung cấp các dịch vụ bảo vệ không? Ai có trách nhiệm quản lý vận hành nhà chung cư?
- Mẫu đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động của sàn giao dịch bất động sản mới nhất theo quy định hiện nay?
- Cấp ủy cấp tỉnh có chức năng gì? Cấp ủy cấp tỉnh có được giới thiệu nhân sự ứng cử chức danh chủ tịch Hội đồng nhân dân?
- Đáp án cuộc thi Quân đội Nhân dân Việt Nam 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành 2024 tuần 1 trên trang Báo cáo viên ra sao?
- Nghị quyết 1278 sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025 thế nào?