Nội dung tối thiểu của Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu gồm những gì? Thời hạn cấp Giấy chứng nhận?
Nội dung tối thiểu của Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu gồm những gì?
Căn cứ Điều 3 Thông tư 08/2025/TT-BYT quy định Giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận y tế hoặc Giấy chứng nhận khác có liên quan trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu) được cấp cho sản phẩm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi tổ chức, cá nhân có yêu cầu.
Nội dung trên giấy chứng nhận được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin sau:
- Tên giấy chứng nhận (Giấy chứng nhận y tế hoặc Giấy chứng nhận khác có liên quan trong trường hợp có yêu cầu của nước nhập khẩu);
- Tên cơ quan cấp giấy chứng nhận;
- Số, ngày cấp giấy chứng nhận;
- Tên mặt hàng được cấp giấy chứng nhận hoặc tên nhóm sản phẩm thực phẩm do cơ sở sản xuất;
- Hạn sử dụng/hạn sử dụng tốt nhất của lô sản phẩm thuộc mặt hàng xuất khẩu đối với Giấy chứng nhận y tế và các giấy chứng nhận khác có liên quan đến lô hàng xuất khẩu;
Số và thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương đối với giấy chứng nhận liên quan đến cơ sở sản xuất thực phẩm;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân xuất khẩu; cơ sở sản xuất;
- Căn cứ trên phiếu kiểm nghiệm của lô sản phẩm thực phẩm xuất khẩu, xác nhận lô sản phẩm tuân thủ quy định hiện hành của Việt Nam về an toàn thực phẩm và phù hợp cho người tiêu dùng (“fit(s) for human consumption”); hoặc
+ Cơ sở sản xuất thực phẩm tuân thủ quy định hiện hành của Việt Nam về an toàn thực phẩm trong trường hợp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương còn hiệu lực;
- Chữ ký, con dấu của cơ quan có thẩm quyền.
Nội dung tối thiểu của Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu gồm những gì? Thời hạn cấp Giấy chứng nhận? (Hình từ Internet)
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu là bao lâu?
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu được quy định tại Điều 5 Thông tư 08/2025/TT-BYT như sau:
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lô hàng xuất khẩu hoặc cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu đề nghị cấp giấy chứng nhận nộp hồ sơ đến Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ phận một cửa của Bộ Y tế.
2. Thời hạn cấp không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp không cấp hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời.
Sau 90 ngày kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.
3. Thời gian thẩm định hồ sơ tính từ thời điểm hồ sơ được nộp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc theo dấu đến của cơ quan tiếp nhận (trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện đến Bộ phận một cửa của Bộ Y tế).
4. Giấy chứng nhận hoặc văn bản nêu rõ lý do không cấp được trả tương ứng với hình thức nộp hồ sơ.
5. Số lượng Giấy chứng nhận được cấp theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân xuất khẩu.
6. Các thành phần hồ sơ phải còn hiệu lực pháp lý tại thời điểm nộp hồ sơ.
Theo đó, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu tối đa là 05 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định.
Trường hợp không cấp hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời.
Sau 90 ngày kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị.
4 trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 08/2025/TT-BYT thì 4 trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu bao gồm:
(1) Tổ chức, cá nhân bị phát hiện cung cấp một trong các thành phần hồ sơ giấy tờ giả mạo hoặc không đúng quy định của pháp luật trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận.
(2) Giấy chứng nhận được cấp cho lô hàng xuất khẩu mà mặt hàng thực phẩm thuộc lô hàng đó không phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã công bố áp dụng (nếu có).
(3) Giấy chứng nhận cấp cho cơ sở sản xuất thực phẩm xuất khẩu mà cơ sở đó bị thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương.
(4) Giấy chứng nhận được cấp không đúng thẩm quyền.




Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dựng chuyện người mắc bệnh hiểm nghèo để kêu gọi từ thiện nhằm chiếm đoạt tiền quyên góp thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
- Những trường hợp hủy thầu nào phải đền bù chi phí cho các bên liên quan? Nhà đầu tư có trách nhiệm hủy thầu trong trường hợp nào?
- 10 Lời chúc ngày Giải phóng Miền Nam 30 4 hay, ý nghĩa? Nội dung tuyên truyền của lễ kỷ niệm 50 năm ngày 30 4?
- Chương trình Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gồm các hoạt động nào?
- Xe máy chuyên dùng có phải xe cơ giới không? Điều khiển xe máy chuyên dùng không gắn biển số xe bị phạt bao nhiêu tiền?