Nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp có được thực tập tại doanh nghiệp để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức không?
Nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp có được thực tập tại doanh nghiệp để bồi dưỡng, cập nhật kiến thức không?
Nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực tập tại doanh nghiệp (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 6 Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH quy định về các loại hình bồi dưỡng cho nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
Các loại hình bồi dưỡng
1. Bồi dưỡng chuẩn hóa là loại hình bồi dưỡng cho nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và những nội dung khác theo quy định của pháp luật.
2. Bồi dưỡng nâng cao là loại hình bồi dưỡng cho nhà giáo để nâng cao về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, tiến bộ khoa học, công nghệ và những nội dung khác nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề nghiệp.
3. Thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn đối với nhà giáo là loại hình bồi dưỡng để cập nhật kiến thức, công nghệ, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và rèn luyện kỹ năng trong thực tiễn, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo đó, thực tập tại doanh nghiệp là một trong các loại hình bồi dưỡng cho nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đây là loại hình bồi dưỡng để nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp cập nhật kiến thức, công nghệ, phương pháp tổ chức quản lý sản xuất và rèn luyện kỹ năng trong thực tiễn, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Chương trình bồi dưỡng thực tập tại doanh nghiệp có nội dung, hình thức như thế nào?
* Về nội dung chương trình bồi dưỡng
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH thì nội dung chương trình bồi dưỡng phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Thể hiện được mục tiêu bồi dưỡng; quy định kiến thức, kỹ năng của người học sau khi hoàn thành khóa học; phạm vi và cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, bồi dưỡng; cách thức đánh giá kết quả học tập sau khi hoàn thành khóa học;
- Đảm bảo tính khoa học, hiện đại, hệ thống, thực tiễn, linh hoạt đáp ứng sự thay đổi của thị trường lao động; đảm bảo việc liên thông giữa các chương trình bồi dưỡng;
- Được định kỳ rà soát cập nhật, bổ sung cho phù hợp với kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
* Về hình thức, phương thức tổ chức bồi dưỡng
Hình thức, phương thức tổ chức bồi dưỡng cho nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 9 Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH như sau:
- Hình thức tổ chức: Tập trung, bán tập trung, vừa làm vừa học và từ xa.
- Phương thức tổ chức: Hội thảo; tập huấn; bồi dưỡng chuyên đề; nghiên cứu, khảo sát thực tế; tham quan học tập; thực tập nâng cao và tự nghiên cứu nâng cao trình độ.
Nhà giáo cơ sở giáo dục nghề nghiệp được cử đi bồi dưỡng có được hưởng nguyên lương không?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 06/2017/TT-BLĐTBXH (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 28/2022/TT-BLĐTBXH) quy định về nhiệm vụ, quyền hạn đối với nhà giáo được cử đi bồi dưỡng như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn đối với nhà giáo được cử đi bồi dưỡng
1. Nhà giáo được cử đi bồi dưỡng chuẩn hóa, bồi dưỡng nâng cao (sau đây gọi chung là bồi dưỡng) phải thực hiện đầy đủ chương trình, kế hoạch học tập trong thời gian bồi dưỡng; chấp hành pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế của cơ sở bồi dưỡng; giữ gìn, bảo vệ tài sản của cơ sở bồi dưỡng.
2. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được cử đi bồi dưỡng được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
3. Nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia các lớp bồi dưỡng được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.
4. Nhà giáo khi tham gia các khóa bồi dưỡng phải có cam kết về thời gian làm việc tại đơn vị chủ quản sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
5. Nhà giáo được cử đi bồi dưỡng, thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm lưu trữ và báo cáo đề cương, kết quả bồi dưỡng, thực tập.
Theo đó, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được cử đi bồi dưỡng sẽ được hưởng nguyên lương và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia các lớp bồi dưỡng sẽ được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhà giáo khi tham gia các khóa bồi dưỡng phải có cam kết về thời gian làm việc tại đơn vị chủ quản sau khi hoàn thành khóa bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Văn tả mẹ lớp 5 ngắn gọn? Mẫu bài văn tả mẹ ngắn gọn hay nhất? Tuổi của học sinh lớp 5 là bao nhiêu?
- Sát hại 4 người trong gia đình đi tù bao nhiêu năm? Có dấu hiệu trầm cảm có thể bị xử lý ra sao?
- Quy định về việc tham vấn trong đánh giá tác động môi trường như thế nào? Nội dung của báo cáo?
- Cuộc kiểm toán để đánh giá hiệu quả trong sử dụng tài chính công có quy mô toàn quốc do ai quy định về thời hạn kiểm toán?
- Bài phát biểu chúc mừng năm mới Ất Tỵ 2025 ngắn gọn? Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của cán bộ, công chức thế nào?