Người sử dụng lao động có được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi người lao động trở lại làm việc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không?
Điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Điều 12 Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 khi người lao động có đủ các điều kiện sau đây:
- Suy giảm khả năng lao động do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên;
- Được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của người lao động nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi;
- Đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi người lao động trở lại làm việc
Mức và thẩm quyền quyết định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
- Mức và thẩm quyền quyết định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đối với người sử dụng lao động có người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thỏa mãn các điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp được quy định tại Điều 13 Nghị định 88/2020/NĐ-CP như sau:
“Điều 13. Mức và thẩm quyền quyết định hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
1. Học phí quy định tại khoản 2 Điều 55 của Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo nghề theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định hỗ trợ cho từng đối tượng như sau:
a) Mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở;
b) Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.”
Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định mức chi phí hỗ trợ người sử dụng lao động có lao động bị tai nạn lao động thuộc các trường hợp được nhận hỗ trợ theo quy định pháp luật với mức hỗ trợ tối đa là 50% mức học phí, nhưng không quá 15 lần mức lương cơ sở. Đồng thời, mức hỗ trợ này được hỗ trợ tối đa hai lần đối với mỗi người lao động và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.
Thủ tục đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
- Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp được quy định tại Điều 14 Nghị định 88/2020/NĐ-CP bao gồm:
+ Văn bản của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục của Nghị định 88/2020/NĐ-CP.
+ Bản sao có chứng thực Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
+ Bản sao có chứng thực các chứng từ thanh toán các chi phí đào tạo theo quy định.
- Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người sử dụng lao động thực hiện theo trình tự quy định tại Điều 15 Nghị định 88/2020/NĐ-CP như sau:
+ Người sử dụng lao động nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành thẩm định hồ sơ, quyết định việc hỗ trợ theo Mẫu số 04 tại Phụ lục của Nghị định 88/2020/NĐ-CP và gửi quyết định (kèm theo dữ liệu danh sách hỗ trợ) cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Trường hợp không hỗ trợ thì phải trả lời bằng văn bản cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định hỗ trợ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả kinh phí hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Trường hợp không chi trả thì phải trả lời bằng văn bản cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và nêu rõ lý do.
Như vậy, trường hợp công ty có người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 12 Nghị định 88/2020/NĐ-CP thì người sử dụng lao động sẽ được hỗ trợ chi phí chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động này với điều kiện người sử dụng lao động phải chuẩn bị hồ sơ đề nghị hỗ trợ và thực hiện theo đúng trình tự mà pháp luật quy định.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là bao nhiêu theo quy định mới?
- Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác theo hình thức khoán được thực hiện như thế nào?
- Không nộp tiền sử dụng đất nhưng không bị thu hồi đất trong trường hợp nào? Áp dụng bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất trong trường hợp nào?
- Giấy tờ tài liệu nào thuộc phạm vi thực hiện số hóa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan thuế?
- Đăng tải thông tin tiết lộ nội dung hồ sơ mời thầu trước thời điểm phát hành trái quy định pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính bao nhiêu tiền?