Người nước ngoài sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam thì có được nhập cảnh lại không? Người nước ngoài bị trục xuất trong những trường hợp nào?
Người nước ngoài sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam thì có được nhập cảnh lại không?
Căn cứ quy định Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 quy định trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Và, căn cứ Điều 21 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định như sau:
Các trường hợp chưa cho nhập cảnh
1. Không đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này.
2. Trẻ em dưới 14 tuổi không có cha, mẹ, người giám hộ hoặc người được ủy quyền đi cùng.
3. Giả mạo giấy tờ, khai sai sự thật để được cấp giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú.
4. Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.
5. Bị trục xuất khỏi Việt Nam chưa quá 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực.
6. Bị buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam chưa quá 06 tháng kể từ ngày quyết định buộc xuất cảnh có hiệu lực.
7. Vì lý do phòng, chống dịch bệnh.
8. Vì lý do thiên tai.
9. Vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Như vậy, người nước ngoài bị trục xuất khỏi Việt Nam có thể được nhập cảnh lại nếu quyết định trục xuất đã có hiệu lực trên 03 năm. Tuy nhiên, nếu chưa đủ 03 năm kể từ ngày quyết định trục xuất có hiệu lực, thì người đó sẽ không được phép nhập cảnh lại vào Việt Nam.
Người nước ngoài sau khi bị trục xuất khỏi Việt Nam thì có được nhập cảnh lại không? Người nước ngoài bị trục xuất trong những trường hợp nào? (Hình từ Internet)
Người nước ngoài bị trục xuất trong những trường hợp nào?
Căn cứ Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Trục xuất
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:
Trục xuất
1. Trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Và, căn cứ Điều 153 Bộ luật Lao động 2019 quy định
Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài
1. Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
3. Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người nước ngoài có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam trong các trường hợp sau:
- Bị kết án và tòa án quyết định áp dụng hình phạt trục xuất, buộc phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
- Vi phạm hành chính tại Việt Nam và bị xử phạt trục xuất theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
- Làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, trường hợp này sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất.
Người nước ngoài bị xử phạt trục xuất có những quyền và nghĩa vụ gì theo Nghị định 142?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 142/2021/NĐ-CP quy định như sau:
(1) Người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất có quyền:
- Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành;
- Được yêu cầu có người phiên dịch khi làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền;
- Được thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định số 65/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và các chế độ đối với người lưu trú tại cơ sở lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh;
- Được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam;
- Được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.
(2) Nghĩa vụ của người bị trục xuất:
- Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính có áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;
- Xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh;
- Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
- Nhanh chóng chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật (nếu có);
- Hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Lưu ý: Đối tượng áp dụng hình thức xử phạt trục xuất là cá nhân là người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức bị xử phạt trục xuất theo quy định tại Điều 27 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.










Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

- Các giao dịch bất động sản thông qua hình thức trực tiếp có cần xác nhận bằng văn bản hay không?
- Tên đường bộ được đặt như thế nào? Tên đường bộ bao gồm những gì? Chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ?
- Top 5 mẫu văn kể kỷ niệm về thầy cô giáo của em Tiếng Việt lớp 5? Bố cục bài văn kể chuyện như thế nào?
- Thanh tra viên công an nhân dân chuyển vị trí việc làm có bị miễn nhiệm không? Thời điểm đương nhiên miễn nhiệm được tính từ khi nào?
- 03 Mẫu giấy đề nghị thanh toán hợp đồng? Các trường hợp ngừng thanh toán hợp đồng theo Luật Thương mại?