Người lao động bị F0 cách ly tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội không? Làm thế nào để được hưởng chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội?
Người bị F0 điều trị tại nhà có được hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội không?
Theo khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, để người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi:
“1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.”
Tại khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau thông thường trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc (tối đa từ 30 ngày đến 70 ngày tùy thuộc vào điều kiện làm việc và thời gian đóng Bảo hiểm xã hội) không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng ngày, cụ thể như sau:
“1. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:
a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;
b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.”
Theo đó, nếu không may bị lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội là F0 điều trị tại nhà cũng có cơ hội được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.
Hưởng chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội
Thủ tục để người bị F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ ốm đau từ bảo hiểm xã hội?
Bước 1: Phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội
Căn cứ Công văn 1492/KCB-PHCN&GĐ năm 2021 về cấp hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động Cục Quản lý khám, chữa bệnh. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, Cục Quản lý khám, chữa bệnh chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phân công chăm sóc, điều trị Covid-19 bao gồm các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung, điều trị Covid-19, Trung tâm y tế, Trạm y tế, Trạm y tế lưu động tuân thủ việc cấp và quản lý Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động là F0 theo đúng quy định.
Như vậy, người lao động là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định.
Về thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội:
Căn cứ theo Công văn 9000/BHXH-CSXH ngày 24/9/2021, đối với người lao động là F0 tại nhà :
- Trung tâm y tế quận, huyện, Thành phố Thủ Đức, Trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư 56/2017/TT-BYT.
- Đối với người nhiễm COVID-19 là người lao động điều trị tại Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung): Trạm Y tế nơi có Trạm Y tế lưu động (cơ sở thu dung) thì y, bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”, đơn vị chủ quản là Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho Trạm y tế xã, phường, thị trấn ký đóng dấu.
Đối với các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT do các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã cấp chưa đúng mẫu lệch ngày cấp.., đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo quy định tại mục a khoản 5 Điều 26 của Thông tư 56/2017/TT-BYT.
Bước 2: Nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp
Căn cứ Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Thời hạn nộp: Trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan BHXH, phải giải trình lý do bằng văn bản.
Bước 3: Nhận tiền trợ cấp ốm đau từ cơ quan BHXH.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và khoản 1 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, trong thời gian nghỉ, người lao động sẽ được hưởng 75% mức tiền lương đóng Bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Đồng thời, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì:
"Điều 6. Mức hưởng chế độ ốm đau
1. Mức hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội được tính như sau:
Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 75 (%) x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau"
Như vậy, nếu bạn là F0 điều trị tại nhà thì trong thời gian nghỉ điều trị bệnh được hưởng theo chế độ nghỉ ốm đau và được hưởng 75% lương do BHXH chi trả.
Tải về mẫu giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội mới nhất 2023: Tại Đây
Hết thời hạn nghỉ hưởng chế độ ốm đau mà tiếp tục nghỉ thì có được giải quyết chế độ ốm đau không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, quy định như sau:
“Điều 29. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau
1. Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;
b) Tối đa 07 ngày đối với người lao động sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật;
c) Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.”
Theo đó, khi hết thời hạn nghỉ trên bạn quay trở lại làm việc mà sức khỏe bạn chưa hồi phục thì bạn sẽ có thời gian nghỉ dưỡng sức là từ 5 đến 10 ngày trong khoảng thời gian 30 ngày đầu khi quay trở lại làm việc với mức hưởng dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở.
Căn cứ theo điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định:
“2. Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hợp sau đây:
...
c) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.
Theo đó, trong trường hợp bạn vẫn tiếp tục có nhu cầu nghỉ mặc dù đã hết thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thời gian nghỉ phục hồi dưỡng sức thì bạn phải làm đơn yêu cầu xin nghỉ không lương. Nhưng như vậy bạn sẽ không được giải quyết chế độ ốm đau với thời gian xin nghỉ không hưởng lương.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?