Người làm nghề nặng nhọc độc hại thì thời gian làm việc bình thường là bao lâu? Đối với người lao động làm nghề nặng nhọc độc hại thì ngày ngày nghỉ hàng năm là bao nhiêu ngày?
Nghề sửa chữa máy phát thanh FM có thuộc danh mục nghề nặng nhọc độc hại hay không?
Căn cứ Mục XIII danh mục nghề Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành kèm theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định về điều kiện lao động loại VI như sau:
Theo đó, người có công việc vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy phát hình, phát thanh FM có tổng công suất từ 40 KW trở lên hoặc có tổng công suất từ 20 KW trở lên đặt ở núi cao trên 1000 m thường xuyên làm việc trong môi trường điện từ trường cao tần và siêu cao tần vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. Chịu tác động của tiếng ồn cao, căng thẳng thần kinh tâm lý thì công việc đó thuộc danh mục nghề nặng nhọc độc hại.
Như vậy công việc khai thác, bảo trì, sửa chữa máy phát thanh AM có công suất 100kW và 4 máy phát thanh FM có tổng công suất là 40kW của bạn thuộc nhóm nghề nặng nhọc độc hại.
Người làm nghề nặng nhọc độc hại thì thời gian làm việc bình thường là bao lâu? (Hình từ Internet)
Người làm nghề nặng nhọc độc hại thì thời gian làm việc bình thường là bao lâu?
Trước đây tại khoản 3 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định: “Thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành”. Tuy nhiên hiện tại bộ luật này đã được thay thế bằng Bộ luật Lao động 2019.
Căn cứ Điều 105 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời gian làm việc bình thường như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Theo đó, pháp luật không quy định rõ về thời gian làm việc của người có nghề nặng nhọc độc hại chỉ quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động.
Đối với người lao động làm nghề nặng nhọc độc hại thì ngày nghỉ hàng năm là bao nhiêu ngày?
Căn cứ Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về ngày nghỉ hàng năm của người lao động như sau:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.
6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
7. Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Theo đó, người làm nghề nặng nhọc độc hại thì được hưởng 14 ngày nghỉ phép hằng năm. Trường hợp nghề đặc biệt nặng nhọc độc hại thì được hưởng 16 ngày nghỉ phép hằng năm.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người dân có được soát người, khám xét người khác khi nghi bị lấy cắp đồ không? Có bị truy cứu TNHS?
- Máy điều hòa có phải là hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không? Thuế suất thuế TTĐB của máy điều hòa là bao nhiêu?
- Hạn ngạch thuế quan là gì? Lưu ý điều gì khi áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan theo quy định?
- Người yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định trong tố tụng dân sự có phải nộp tiền tạm ứng chi phí giám định không?
- Nguyên nhân thanh lý rừng trồng? Tổ chức có rừng trồng được thanh lý có trách nhiệm gì sau khi hoàn thành việc thanh lý?