Người đủ 16 tuổi có được giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không? Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bảo hiểm bị tuyên bố vô hiệu?
Người đủ 16 tuổi có được giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không?
Theo Điều 9 Thông tư 67/2023/TT-BTC có quy định về điều kiện mua bảo hiểm nhân thọ như sau:
Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe
1. Bên mua bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe phải đáp ứng quy định sau:
a) Là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, hoặc cá nhân tại Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Đáp ứng các điều kiện để mua bảo hiểm theo quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm.
2. Người được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là người có tính mạng, sức khỏe, tuổi thọ được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm.
3. Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với người được bảo hiểm theo quy định tại Điều 34 Luật Kinh doanh bảo hiểm.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên, người được mua bảo hiểm nhân thọ phải là người Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Ngoài ra, để được mua bảo hiểm nhân thọ thì người mua còn cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm nêu trên
Do đó, người đủ 16 tuổi thì chưa đáp ứng điều kiện để tự mình giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Người đủ 16 tuổi có được giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không? Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bảo hiểm được tuyên bố vô hiệu? (Hình từ Internet).
Bên mua bảo hiểm nhân thọ là người đủ 16 tuổi thì hợp đồng bảo hiểm đã giao kết có vô hiệu hay không?
Căn cứ tại điểm e khoản 1 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu như sau:
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
1. Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu trong trường hợp sau đây:
a) Bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
b) Không có đối tượng bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm;
c) Tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm biết sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;
d) Mục đích, nội dung hợp đồng bảo hiểm vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;
đ) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm giao kết hợp đồng bảo hiểm giả tạo;
e) Bên mua bảo hiểm là người chưa thành niên; người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
g) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, trừ trường hợp mục đích giao kết hợp đồng của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc giao kết hợp đồng vẫn đạt được;
h) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 của Luật này;
i) Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép;
k) Bên mua bảo hiểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm;
l) Hợp đồng bảo hiểm không tuân thủ quy định về hình thức quy định tại Điều 18 của Luật này.
...
Và theo khoản 1 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Người chưa thành niên
1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.
Theo các quy định nêu trên, trường hợp bên mua bảo hiểm nhân thọ chỉ mới đủ 16 tuổi mà giao kết hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng này sẽ bị vô hiệu.
Hậu quả pháp lý khi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ bị tuyên bố vô hiệu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 có quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu như sau:
Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu
...
2. Khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Như vậy, theo quy định nêu trên, khi hợp đồng bảo hiểm vô hiệu thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết.
Cũng theo quy định này thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thông tư 28 TT BYT: Chụp X quang xương chũm được áp dụng đối với người lao động làm công việc gì?
- Mã định danh học sinh là gì? Mã định danh học sinh được sử dụng đồng bộ cho toàn cấp học theo Thông tư 42?
- Mức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn khi mua nhà ở xã hội tại TP.HCM theo Quyết định 81/2024 là bao nhiêu?
- Mức phạt sử dụng đất trồng lúa sang loại đất khác mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo Nghị định 123/2024?
- Mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT mới nhất? Hướng dẫn viết mẫu báo cáo sơ kết học kỳ 1 THPT thế nào?