Ngoại tình là gì? Chồng ngoại tình với vợ cũ thì khi ly hôn người vợ hiện tại có được chia tài sản nhiều hơn không?
Ngoại tình là gì? Chồng ngoại tình với vợ cũ có bị xem là hành vi vi phạm quy định pháp luật không?
Về mặt ngữ nghĩa có thể cắt nghĩa cụm từ "ngoại tình" như sau, "ngoại" có nghĩa là bên ngoài, "tình" có nghĩa là tình yêu, mối quan hệ tình cảm về mặt nam nữ, như vậy có thể hiểu đơn giản "ngoại tình" có nghĩa là có mối quan hệ bên ngoài một tình yêu, một mối quan hệ tình cảm nào đó.
Ngoại tình biểu hiện trên thực tế cũng rất phong phú, đơn giản chỉ là có chút xao động với ai đó khác người yêu/ vợ/chồng của mình, có nhắn tin qua lại thể hiện yêu đương, có hẹn hò và thậm chí tới mức đã có quan hệ tình dục, chung sống với nhau như vợ/chồng.
Như đã nói ở trên, ngoại tình có nhiều biểu hiện, không phải biểu hiện nào của ngoại tình cũng được pháp luật điều chỉnh.
Còn đối với hành vi ngoại tình trong quan hệ hôn nhân đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ thì hành vi này được điều chỉnh nhằm đảm bảo nguyên tắc hôn nhân một vợ một chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Và theo điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình
...
2. Cấm các hành vi sau đây:
...
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
...
Trong mối quan hệ hôn nhân đã được pháp luật thừa nhận, bảo vệ thì một trong các bên có hành vi ngoại tình như trên mới là hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, chồng ngoại tình với vợ cũ bị xem là hành vi vi phạm quy định pháp luật nếu có hành vi chung sống như vợ chồng với vợ cũ. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015.
Chồng ngoại tình với vợ cũ (Hình từ Internet)
Chồng ngoại tình với vợ cũ thì khi ly hôn người vợ hiện tại có được chia tài sản nhiều hơn không?
Chồng ngoại tình với vợ cũ thì khi ly hôn người vợ hiện tại có được chia tài sản nhiều hơn không, theo điểm d khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
...
Như vậy theo nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố nêu trên trong đó có yếu tố lỗi của mỗi bên vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Và nội dung này được hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:
Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn
...
4. Trường hợp áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia:
...
d) “Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng” là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
Ví dụ: Trường hợp người chồng có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy hoặc phá tán tài sản thì khi giải quyết ly hôn Tòa án phải xem xét yếu tố lỗi của người chồng khi chia tài sản chung của vợ chồng để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ và con chưa thành niên.
...
Như vậy, chồng ngoại tình với vợ cũ, thì khi ly hôn người vợ hiện tại Tòa án có thể xét đến yếu tố này để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của vợ hiện tại và con chưa thành niên.
Chồng ngoại tình với vợ cũ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp nào?
Chồng ngoại tình với vợ cũ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong những trường hợp được quy định tại Điều 182 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:
Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Như vậy, chồng ngoại tình với vợ cũ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có hành vi chung sống như vợ chồng với vợ cũ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
- Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
- Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh? Tải mẫu?
- Mẫu công văn yêu cầu bảo hành hàng hóa theo hợp đồng mua bán hàng hóa? Khi nào bên mua phải chịu chi phí bảo hành?
- Việc quản lý trật tự xây dựng phải được thực hiện từ khi nào? Ủy ban nhân dân cấp xã có phải chịu trách nhiệm về quản lý trật tự xây dựng không?
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?