Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng theo hình thức nào? Các nguyên tắc trong việc xét thầu đối với đầu thầu vàng miếng?
Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng theo hình thức nào?
Hiện tại, pháp luật không có quy định về "Đấu thầu vàng miếng". Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2013/TT-NHNN có nêu như sau:
“Mua, bán vàng miếng qua đấu thầu” là hình thức mua, bán trong đó Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu để xác định đối tác, giá và khối lượng vàng miếng mua, bán.
Theo đó, có thể hiểu đấu thầu vàng miếng là thuật ngữ dùng để chỉ việc mua bán vàng miếng thông qua hình thức đấu thầu.
Căn cứ Điều 7 Thông tư 06/2013/TT-NHNN quy định về hình thức mua bán vàng miếng như sau:
Hình thức mua, bán vàng miếng
1. Mua, bán vàng miếng trực tiếp;
2. Mua, bán vàng miếng qua đấu thầu theo giá hoặc đấu thầu theo khối lượng.
Từ những quy định vừa nêu trên thì Ngân hàng Nhà nước có thể tổ chức đấu giá vàng miếng theo 02 hình thức là đấu thầu theo khối lượng và đấu thầu theo theo giá. Trong đó
- “Đấu thầu theo giá” là hình thức đấu thầu mà các thành viên tham gia đấu thầu đưa ra các mức giá dự thầu để xác định mức giá và khối lượng vàng miếng trúng thầu (khoản 4 Điều 2 Thông tư 06/2013/TT-NHNN).
- “Đấu thầu theo khối lượng” là hình thức đấu thầu mà các thành viên tham gia đấu thầu đăng ký khối lượng dự thầu để xác định khối lượng trúng thầu tại mức giá do Ngân hàng Nhà nước công bố (khoản 5 Điều 2 Thông tư 06/2013/TT-NHNN).
Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng theo hình thức nào? Các nguyên tắc trong việc xét thầu đối với đầu thầu vàng miếng? (Hình từ Internet)
Trong đấu thầu vàng miếng thì cần đảm bảo những nguyên tắc gì khi xét thầu?
Trong quá trình xét đấu thầu vàng miếng phải đảm bảo được những nguyên tắc được quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 9 Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013. Cụ thể như sau:
* Nguyên tắc xét thầu đối với đấu thầu theo khối lượng:
- Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp dự thầu bằng hoặc thấp hơn tổng khối lượng Ngân hàng Nhà nước dự kiến mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bằng khối lượng đặt thầu của chính tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
- Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia vượt quá tổng khối lượng Ngân hàng Nhà nước dự kiến mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia được xác định theo nguyên tắc từ khối lượng đặt thầu cao nhất xuống thấp cho tới khi Ngân hàng Nhà nước mua hoặc bán được tối đa khối lượng dự kiến mua hoặc bán.
- Trường hợp tổng khối lượng đặt thầu của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia ở mức khối lượng trúng thầu thấp nhất có nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt mua hoặc bán cùng khối lượng thì khối lượng cần mua, bán còn lại được chia đều cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
- Trường hợp khối lượng trúng thầu có lẻ lô thì phải làm tròn xuống chẵn lô.
* Nguyên tắc xét thầu đối với đấu thầu theo giá:
- Nguyên tắc xét thầu là xét theo thứ tự giảm dần từ giá trúng thầu cao nhất cho tới giá trúng thầu thấp nhất mà tại đó Ngân hàng Nhà nước bán được khối lượng tối đa dự kiến bán (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng).
Hoặc xét theo thứ tự tăng dần từ giá trúng thầu thấp nhất cho tới giá trúng thầu cao nhất mà tại đó Ngân hàng Nhà nước mua được tối đa khối lượng dự kiến mua (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước đấu thầu mua vàng miếng).
- Trong trường hợp ở mức giá trúng thầu thấp nhất (đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng) hoặc trường hợp ở mức giá trúng thầu cao nhất (đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua vàng miếng) có nhiều tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cùng một mức giá thì khối lượng trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp này sẽ được xác định theo tỷ lệ thuận giữa khối lượng cần mua, bán còn lại và khối lượng đặt thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
- Trong trường hợp khối lượng trúng thầu có lẻ lô thì sẽ được làm tròn xuống chẵn lô.
- Giá trúng thầu của từng tổ chức tín dụng, doanh nghiệp là giá đặt thầu của chính tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đó.
Tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 5 Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013 thì tổ chức tín dụng và doanh nghiệp không đủ tư cách tham gia đấu thầu vàng miếng trong trường hợp sau:
(1) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đang trong thời gian bị tạm ngừng quan hệ giao dịch hoặc bị hủy quan hệ giao dịch;
(2) Người đại diện của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không xuất trình giấy tờ tùy thân theo quy định;
(3) Giấy tờ tùy thân không hợp lệ;
(4) Người tham dự không phải là người đại diện giao dịch do tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký;
(5) Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp không tuân thủ quy định về đặt cọc theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Quy trình mua, bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 563/QĐ-NHNN năm 2013.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?
- Người nhận hối lộ trong việc đăng ký cư trú có nằm trong hành vi bị pháp luật nghiêm cấm không?
- Trường hợp đăng ký biến động đất đai thì chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai có thẩm quyền cấp sổ đỏ không?