Mục đích của khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì? Có bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không?
Mục đích của khám sức khỏe tiền hôn nhân là gì?
Theo khoản 5 Điều 4 Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân ban hành kèm theo Quyết định 25/QĐ-BYT năm 2011 thì khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám sức khỏe tổng thể và khám cơ quan sinh sản của nam và nữ, với mục đích:
+ Khám sức khỏe tổng thể nhằm phát hiện ra bệnh, tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của mình và người bạn đời như bệnh viêm gan B, HIV, hay các bệnh di truyền, bệnh tim, bệnh về đường tình dục …
+ Khám cơ quan sinh sản nhằm phát hiện những bất thường về cấu tạo giải phẫu cũng như chức năng hoạt động của cơ quan sinh dục; các bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân (Hình từ Internet)
Có bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không?
Nguyên tắc khám sức khỏe tiền hôn nhân được quy định tại Điều 5 Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân ban hành kèm theo Quyết định 25/QĐ-BYT năm 2011 như sau:
Nguyên tắc tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân
1. Tự nguyện;
2. Tôn trọng nhân thân và bảo đảm bí mật riêng tư;
3. Phù hợp với pháp luật hiện hành.
Theo đó, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện dựa trên nguyên tắc tự nguyện. Do đó, hiện nay pháp luật không bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân được quy định thế nào?
Theo Điều 10 Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân ban hành kèm theo Quyết định 25/QĐ-BYT năm 2011 thì quy trình khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện theo 04 bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ và hoàn thiện các thủ tục hành chính.
Khách hàng khám sức khỏe có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử hoạt động của cơ quan sinh dục (kinh nguyệt, thai nghén, …, xuất tinh, ..); tiền sử bệnh, tật của bản thân và gia đình.
Bước 2: Khám sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế
(1) Khám thể lực: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, chỉ số BMI, mạch, nhiệt độ, huyết áp và nhịp thở.
(2) Khám lâm sàng theo các chuyên khoa.
- Đối với nữ giới
+ Khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng: hỏi tiền sử về các bệnh nội, ngoại; đặc biệt tiền sử về sản khoa, phụ khoa.
+ Khám vú, khám bộ phận sinh dục ngoài: lông mu, âm hộ, môi lớn, môi bé, màng trinh, tính chất dịch âm đạo.
+ Thăm khám âm đạo (bao gồm cả lấy dịch âm đạo để xét nghiệm) chỉ thực hiện khi có yêu cầu chuẩn đoán xác định và phải được sự đồng ý của khách hàng. Nếu khách hàng không đồng ý, cần giải thích lý do và gợi ý có thể thay bằng thăm khám phụ khoa qua hậu môn, trực tràng.
- Đối với nam giới
+ Khám phát hiện các dấu hiệu cơ năng: hỏi tiền sử về các bệnh nội, ngoại; đặc biệt tiền sử về chấn thương, viêm tinh hoàn, bệnh LTQĐTD sự xuất tinh, sự cương cứng của dương vật.
+ Khám bộ phận sinh dục (bao gồm cả lấy dịch niệu đạo để xét nghiệm): tinh hoàn, dương vật, lông mu và thăm khám trực tràng khi cần thiết.
(3) Khám cận lâm sàng
- Chụp X quang tim, phổi (tư thế thẳng hoặc nghiêng).
- Xét nghiệm máu: Công thức máu, huyết sắc tố, đường máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: Đường, protein, tế bào.
- Soi tươi dịch âm đạo và dịch niệu đạo.
Trường hợp nghi ngờ, hướng dẫn tiếp tục khám chuyên khoa sâu để xác định bệnh và hướng dẫn điều trị.
Bước 3: Khám chuyên khoa sâu theo chỉ định của bác sỹ
Bước 4: Kết luận về kết quả khám sức khỏe.
Căn cứ vào kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sỹ trực tiếp khám ký giấy chứng nhận sức khỏe, sổ khám sức khỏe và kết luận thực trạng sức khỏe của nam, nữ chuẩn bị kết hôn.
Việc tư vấn sau khi khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện thế nào?
Các bước tiến hành tư vấn sau khi khám sức khỏe tiền hôn nhân được quy định tại Điều 11 Hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân ban hành kèm theo Quyết định 25/QĐ-BYT năm 2011 như sau:
Các bước tiến hành tư vấn
1. Bước 1: Thông báo kết quả khám sức khỏe.
Cán bộ tư vấn thông báo kết quả khám sức khỏe cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn biết. Trường hợp kết quả bình thường, khách hàng có thể yên tâm kết hôn.
2. Bước 2: Với các khách hàng phát hiện bệnh hoặc nghi ngờ.
a. Trường hợp nghi ngờ: Tư vấn cho khách hàng sự cần thiết tiếp tục làm xét nghiệm chẩn đoán xác định.
b. Trường hợp có chẩn đoán xác định: Tư vấn cách phòng tránh, điều trị.
3. Bước 3: Lắng nghe ý kiến của khách hàng tư vấn. Lắng nghe khách hàng trình bày để biết được khách hàng hiểu về bệnh, tật của mình có liên quan đến hôn nhân như thế nào.
4. Bước 4: Trao đổi giúp cho khách hàng tự quyết định giải pháp phù hợp với mình.
a. Trường hợp bệnh, tật cần được điều trị để đảm bảo hôn nhân bền vững.
b. Trường hợp đặc biệt (nam, nữ mang gene lặn bệnh lý; người nữ bị bệnh tim; một hoặc cả hai người đều nhiễm HIV, …) phải giải thích cho khách hàng biết về nguy cơ sinh ra những đứa trẻ bị bệnh, tật nếu kết hôn muốn có con và những cách phòng tránh (nếu có thể).
5. Bước 5: Giới thiệu với khách hàng các cơ sở dịch vụ sẵn có tại địa phương và các cơ sở dịch vụ khác có liên quan.
6. Bước 6: Hẹn gặp lại khi cần thiết.
7. Bước 7: Lưu trữ hồ sơ tư vấn (đánh dấu, phân loại).
Như vậy, việc tư vấn sau khi khám sức khỏe tiền hôn nhân được thực hiện theo các bước được quy định tại Điều 11 nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự là mẫu nào?
- Mẫu giấy phép xây dựng điều chỉnh cho công trình không theo tuyến theo Nghị định 175 thay thế Nghị định 15?
- Xe máy lắp gương thời trang có bị phạt không? Lắp gương thời trang bên trái bị phạt trong trường hợp nào?
- Ngày 24 1 có sự kiện gì? Ngày 24 1 cung gì? Ngày 24 1 CBCCVC đã được nghỉ Tết Nguyên đán Ất tỵ chưa?
- Mẫu bài phát biểu chia tay CBCCVC nghỉ hưu sớm do chính sách tinh giản biên chế? Tham khảo mẫu?