Lương tháng 13 quyết toán vào năm nào? Thời điểm tính thuế TNCN đối với tiền lương tháng 13 là khi nào?
Lương tháng 13 quyết toán vào năm nào?
Căn cứ Công văn 3620/CT-TTHT năm 2017 hướng dẫn về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành:
Căn cứ theo quy định trên thì về nguyên tắc, khoản lương tháng thứ 13 năm 2016 của Công ty chi trả cho người lao động trước thời điểm nộp báo cáo quyết toán thuế TNDN năm 2016 (ngày 31/03/2017) được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2016, nếu các khoản tiền lương tháng thứ 13 này được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty; Quy chế thường do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty quy định theo quy chế tài chính của Công ty.
Trường hợp Công ty đã nộp báo cáo tài chính năm và Tờ khai quyết toán hoàn thuế TNDN năm 2016 cho cơ quan Thuế nhưng nay phát hiện sai sót thì Công ty lập lại báo cáo tài chính và Tờ khai quyết toán thuế TNDN năm 2016, kèm Bảng giải trình khai bổ sung, điều chỉnh (Mẫu 01/KHBS) theo quy định tại Khoản 5, Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính để nộp cho cơ quan Thuế.
Đồng thời, căn cứ Công văn 512/CT-TTHT năm 2017 hướng dẫn về chi phí được trừ đối với khoản tiền thưởng năm cho người lao động do Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh ban hành:
Trường hợp Công ty theo trình bày có chi trả tiền lương tháng 13 và khoản “thưởng năm” cho người lao động, khoản chi này nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ nêu tại Khoản 2.6 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC nêu trên thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, cụ thể:
+ Khoản tiền lương tháng 13 năm 2015, thực chi tháng 12 năm 2015 được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2015.
+ Khoản “thưởng năm” do Tổng giám đốc xem xét và quyết định hàng năm dựa trên kết quả kinh doanh và năng lực, hiệu quả làm việc của người lao động thực chi tháng 4 năm 2016 được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2016.
Đối chiếu theo hướng dẫn của Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh vừa nêu ở trên thì lương tháng 13 quyết toán vào năm nào còn phụ thuộc vào thời điểm doanh nghiệp chi trả lương, cụ thể:
- Nếu chi trả cho người lao động trước thời điểm nộp Hồ sơ quyết toán thuế năm thì được hạch toán vào chi phí của năm đó.
- Nếu chi trả tiền lương tháng 13 sau thời điểm nộp Hồ sơ quyết toán thuế năm thì chỉ được tính vào chi phí của năm sau.
Lưu ý: Lương tháng 13 nếu muốn được hạch toán phải có quy định cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ: Hợp đồng lao động, Thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính hoặc Quy chế thưởng.
Lương tháng 13 quyết toán vào năm nào? (Hình từ Internet)
Thời điểm tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương tháng 13 là khi nào?
Căn cứ theo tại điểm e khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
...
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
...
e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán, trừ các khoản tiền thưởng sau đây:
e.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, cụ thể:
e.1.1) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sĩ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến.
e.1.2) Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng.
e.1.3) Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu do Nhà nước phong tặng.
e.1.4) Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị - xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
e.1.5) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước.
e.1.6) Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu.
e.1.7) Tiền thưởng kèm theo Bằng khen, Giấy khen.
Thẩm quyền ra quyết định khen thưởng, mức tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng nêu trên phải phù hợp với quy định của Luật Thi đua khen thưởng.
e.2) Tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được Nhà nước Việt Nam thừa nhận.
e.3) Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
e.4) Tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì khoản tiền lương tháng 13 không thuộc các trường hợp được miễn thuế TNCN.
Do đó, lương tháng 13 được xác định là thu nhập chịu thuế TNCN.
Dẫn chiếu đến khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định:
Xác định thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công
...
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
Như vậy, thời điểm tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương tháng 13 là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người lao động.
Tiền lương tháng 13 của người lao động có phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không?
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định tại khoản 3 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (được sửa đổi bởi khoản 26 Điều 1 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH) như sau:
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được quy định như sau:
...
3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như thưởng theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.
4. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.
Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 2 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP là tiền lương do đại hội thành viên quyết định.
...
Theo quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như:
- Thưởng theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, tiền thưởng sáng kiến;
- Tiền ăn giữa ca;
- Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;
- Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động quy định tại tiết c2 điểm c khoản 5 Điều 3 của Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.
Như vậy, tiền lương tháng 13 của người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên đối với khai thác khoáng sản? Thuế tài nguyên có khai quyết toán thuế hằng năm không?
- Người tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính theo yêu cầu của Tòa án phải xuất trình những gì?
- Việc đăng ký tài khoản trên Cổng Dịch vụ công quốc gia được quy định thế nào? Quy định về việc quản lý các vấn đề liên quan đến tài khoản?
- Thu hồi sản phẩm là gì? Khi thông báo bằng văn bản về việc thu hồi sản phẩm thì chủ sản phẩm có trách nhiệm gì?
- Trong tố tụng hình sự, người bào chữa có thể đồng thời là người giám định trong cùng một vụ án hình sự không?