Lời khai của người làm chứng trong quá trình điều tra có được công bố tại phiên tòa xét xử hay không?
Người làm chứng trong vụ án hình sự có quyền gì?
Theo khoản 3 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, theo đó người làm chứng có quyền như sau:
- Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
- Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng liên quan đến việc mình tham gia làm chứng;
- Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
Có được công bố lời khai của người làm chứng trong quá trình điều tra tại phiên tòa xét xử hay không?
Người làm chứng không tham gia phiên tòa xét xử thì có sao không?
Căn cứ theo điểm a khoản 4 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, quy định về nghĩa vụ của người làm chứng như sau:
“4. Người làm chứng có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;
...”
Đồng thời, tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, sự có mặt của người làm chứng trong xét xử sơ thẩm được quy định như sau:
“Điều 293. Sự có mặt của người làm chứng
1. Người làm chứng tham gia phiên tòa để làm sáng tỏ những tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa công bố những lời khai đó. Nếu người làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
2. Trường hợp người làm chứng được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải theo quy định của Bộ luật này.”
Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể việc vắng mặt của bạn sẽ được xử lý như sau:
- Nếu trước đó bạn đã có lời khai ở Cơ quan điều tra thì chủ tọa phiên tòa sẽ công bố những lời khai đó và phiên tòa vẫn được diễn ra bình thường. Do đó, sự vắng mặt của bạn có thể được Hội đồng xét xử chấp nhận.
- Nếu bạn làm chứng về những vấn đề quan trọng của vụ án thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.
- Trường hợp bạn được Tòa án triệu tập nhưng cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của bạn gây trở ngại cho việc xét xử thì Hội đồng xét xử có thể quyết định dẫn giải bạn theo quy định.
Lời khai của người làm chứng trong quá trình điều tra có được công bố tại phiên tòa xét xử hay không?
Căn cứ theo Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố cụ thể như sau:
“Điều 308. Công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố
1. Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố.
2. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;
b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;
c) Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;
d) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.
3. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án.”
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu bạn có mặt tại phiên tòa xét xử thì lời khai của bạn trong giai đoạn điều tra, truy tố sẽ không được công bố. Đồng thời, khi thuộc trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử cũng sẽ không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Tuy nhiên, nếu thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì lời khai của bạn trong giai đoạn điều tra, truy tố sẽ được công bố.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã có quy định để bảo vệ quyền và lợi ích của người làm chứng, cụ thể tại khoản 4 Điều 311 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc hỏi người làm chứng, theo đó nếu có căn cứ xác định bạn hoặc người thân thích của bạn bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm thì Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định biện pháp bảo vệ bạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và pháp luật khác có liên quan.
Trên đây là những quy định pháp luật mới nhất liên quan đến việc người làm chứng không tham gia phiên tòa xét xử, lời khai của người làm chứng trong quá trình điều tra có được công bố tại phiên tòa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Dự án bất động sản có phải tuân thủ giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải cấp giấy phép xây dựng không?
- Bên mua bảo hiểm có được chuyển giao hợp đồng bảo hiểm tài sản theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm không?
- Mức thu phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là 5.000.000 đồng đúng không?
- Chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ phục vụ ký phát hành hộ chiếu có gắn chíp điện tử của DS có hiệu lực trong bao lâu?
- Viết đoạn văn thể hiện tình cảm của em đối với người thân chọn lọc? Đặc điểm môn Ngữ Văn trong chương trình GDPT 2018 là gì?