Kinh phí hoạt động của Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có phải được lấy hoàn toàn từ nguồn ngân sách nhà nước không?

Theo tôi được biết, Nhà nước hiện tại có lập ra một Quỹ dùng cho việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài. Vậy nguồn kinh phí để hình thành nên Quỹ này có phải được lấy hoàn toàn từ nguồn ngân sách nhà nước hay không? Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?

Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài bản chất là gì?

Quỹ bảo hộ công dân Việt Nam

Quỹ Bảo hộ công dân Việt Nam

Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Quyết định 119/2007/QĐ-TTg, Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được thành lập như sau:

"Điều 1. Thành lập Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Điều 2. Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là một tổ chức tài chính trực thuộc Bộ Ngoại giao, có tư cách pháp nhân và có con dấu riêng. Tài khoản mở tại kho bạc nhà nước và có tài khoản tại ngân hàng."

Dựa vào quy định trên, có thể thấy Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam là một tổ chức tài chính trực thuộc Bộ Ngoại giao, nhằm thực hiện các hoạt động hợp pháp để bảo hộ cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Kinh phí hoạt động của Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có lấy hoàn toàn từ ngân sách nhà nước không?

Theo quy định tại Điều 3 Quyết định 119/2007/QĐ-TTg, nguồn vốn hoạt động của quỹ được hình thành từ ngân sách Nhà nước cấp, các nguồn tài trợ, viện trợ và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các nguồn khác.

Quỹ được ngân sách Nhà nước cấp 20 (hai mươi) tỷ đồng kinh phí hoạt động ban đầu. Hàng năm ngân sách Nhà nước cấp bổ sung kinh phí cho Quỹ căn cứ vào dự toán kinh phí thực hiện các kế hoạch được phê duyệt và các nguồn tại chính có được từ viện trợ và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các nguồn khác.

Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và tổ chức thực hiện công tác kế toán, thống kê theo quy định của Pháp luật.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 4 Thông tư 110/2021/TT-BTC quy định về nguồn kinh phí thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam như sau:

"1. Nguồn kinh phí
a) Nguồn ngân sách nhà nước cấp trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Ngoại giao;
b) Nguồn đóng góp tự nguyện, tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật."

Như vậy, có thể thấy ngoài nguồn ngân sách nhà nước được cấp trong dự toán chi thường xuyên hàng năng của Bộ ngoại giao, kinh phí dùng cho việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam của Quỹ còn được lấy từ nguồn đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và những nguồn khác.

Việc lập và phân bổ dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 2. 3, 4 và 5 Điều 4 Thông tư 110/2021/TT-BTC, việc lập dự toán, phân bổ dự toán và quản lý, hạch toán, quyết toán kinh phí dùng cho việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được quy định như sau:

(1) Lập dự toán

Hàng năm, căn cứ tình hình thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài đến thời điểm lập dự toán, ước thực hiện năm hiện hành, kế hoạch nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài năm kế hoạch và nội dung chi quy định tại Thông tư này, Bộ Ngoại giao lập dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của Bộ Ngoại giao, gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

(2) Phân bổ dự toán

Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Ngoại giao phân bổ và giao dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài cho đơn vị trực thuộc.

(3) Thẩm quyền duyệt chi và quản lý sử dụng

a) Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có quyền duyệt chi với mức tối đa 3.000 USD (ba nghìn đôla Mỹ) cho mỗi vụ việc. Các vụ việc chi trên mức 3.000 USD, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài xem xét quyết định phù hợp theo thẩm quyền.

b) Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có quyền duyệt chi với mức trên 3.000 USD (ba nghìn đôla Mỹ) đến tối đa 10.000 USD (mười nghìn đôla Mỹ) cho mỗi vụ việc. Các vụ việc chi trên mức 10.000 USD (mười nghìn đôla Mỹ) và các khoản chi quy định tại gạch đầu dòng thứ hai, điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư 110/2021/TT-BTC, Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét quyết định.

c) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng của vụ việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; xem xét quyết định các vụ việc chi trên mức 10.000 USD (mười nghìn đôla Mỹ) và các khoản chi quy định tại gạch đầu dòng thứ hai, điểm b khoản 1 Điều 2 Thông tư 110/2021/TT-BTC.

d) Đối với các địa bàn cụ thể có số lượng công dân được bảo hộ hàng năm lớn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định việc phân cấp thẩm quyền, mức quyết định duyệt chi cho Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hoặc Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

đ) Trên cơ sở dự toán hàng năm đã được phân bổ, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị trực thuộc quản lý và sử dụng kinh phí phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, pháp luật quốc tế, tuân thủ các quy định về quản lý tài chính hiện hành và các quy định tại Thông tư này.

e) Bộ Ngoại giao không được sử dụng kinh phí được cấp cho các hoạt động không đúng mục đích và quy định tại Thông tư này.

(4) Hạch toán, quyết toán

a) Việc hạch toán, quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn.

Trong đó, đối với nội dung chi hoàn lại quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 110/2021/TT-BTC phải quyết toán chi tiết theo các chỉ tiêu: Dự toán được giao, số kinh phí đã tạm ứng, số kinh phí đã thu hồi được, số kinh phí tạm ứng chưa thu hồi, nguyên nhân chưa thu hồi và tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán hàng năm của Bộ Ngoại giao.

b) Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước căn cứ trên chứng từ Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi về, đảm bảo kiểm soát chi hồ sơ đúng quy định.

c) Đồng tiền hạch toán: Hạch toán, quyết toán bằng tiền Việt Nam đồng. Trường hợp thanh toán bằng ngoại tệ thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2020/TT-BTC ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý tài chính, tài sản đối với Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

d) Bộ Ngoại giao tổ chức hạch toán riêng để theo dõi các khoản đóng góp của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.

đ) Việc xử lý số dư kinh phí cuối năm thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

(5) Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thủ trưởng đơn vị trong nước được Bộ Ngoại giao giao nhiệm vụ thực hiện công tác bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm về việc chi tiêu theo đúng chính sách, chế độ và quy định tại Thông tư này.

(6) Bộ Ngoại giao chấp hành các quy định hiện hành của Nhà nước về kiểm tra, thanh tra các hoạt động tài chính theo quy định.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, nguồn kinh phí của Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài bao gồm cả nguồn ngân sách Nhà nước cấp, các nguồn tài trợ, viện trợ và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các nguồn khác. Hoạt động lập và phân bổ dự toán, quyết toán, hạch toán và quản lý nguồn kinh phí nói trên được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Bảo hộ công dân
Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có tài khoản và con dấu riêng không? Giám đốc Quỹ bảo hộ có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?
Pháp luật
Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài hoạt động nhằm mục đích như thế nào? Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có các nhiệm vụ nào?
Pháp luật
Kinh phí hoạt động của Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài có phải được lấy hoàn toàn từ nguồn ngân sách nhà nước không?
Pháp luật
Việc đặt cọc, bảo lãnh, thu hồi, tạm ứng đối với khoản chi cho việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài được quy định như thế nào?
Pháp luật
Khoản chi dùng cho việc đưa công dân Việt Nam bị bán sang nước ngoài về nước có phải là khoản chi bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam cần hoàn lại không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bảo hộ công dân
2,116 lượt xem

TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Bảo hộ công dân Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Bảo hộ công dân Xem toàn bộ văn bản về Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào