Kinh doanh vận tải đường sắt có những hình thức nào? Trường hợp hành khách bị mất vé thì có lên tàu được không?
Kinh doanh vận tải đường sắt là gì? Kinh doanh vận tải đường sắt gồm những hình thức nào?
Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đường sắt 2017 định nghĩa về hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt như sau:
Kinh doanh vận tải đường sắt là việc thực hiện vận chuyển hành khách, hành lý và hàng hóa bằng đường sắt nhằm mục đích sinh lợi.
Theo đó, kinh doanh vận tải đường sắt bao gồm các hình thức hoạt động được quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Đường sắt 2017: Kinh doanh vận tải đường sắt gồm kinh doanh vận tải hành khách, hành lý và hàng hóa trên đường sắt.
Kinh doanh vận tải đường sắt
Kinh doanh vận tải hành khách bằng đường sắt cần đáp ứng điều kiện gì?
Kinh doanh vận tải hành khách là hình thức kinh doanh vận tải đường sắt.
Mà theo khoản 1 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 quy định như sau:
Kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh đường sắt đô thị.
Tại khoản 2 Điều 49 Luật Đường sắt 2017 có quy định thêm: Kinh doanh đường sắt là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Vậy, ta thấy kinh doanh vận tải đường sắt là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do đó khi thực hiện kinh doanh vận tải hành khách cũng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Cụ thể, doanh nghiệp khi thực hiện kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định 65/2018/NĐ-CP như sau:
- Có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt.
- Có ít nhất 01 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.
- Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.
Khi tiến hành kinh doanh vận tải hành khách bằng đường sắt, doanh nghiệp có các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ theo Điều 32 và Điều 33 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT như sau:
* Quyền của doanh nghiệp
- Yêu cầu người đi tàu, hành khách, người gửi hành lý ký gửi mua vé bổ sung khi không có vé hoặc vé không hợp lệ.
- Được quyền từ chối, đình chỉ vận chuyển hành khách, hành lý ký gửi đã có vé trong các trường hợp sau đây:
+ Người đi tàu, hành khách, người gửi hành lý ký gửi không thực hiện yêu cầu mua vé bổ sung theo quy định tại khoản 1 của Điều này;
+ Hành khách đi tàu không chấp hành các quy định tại Thông tư này, nội quy đi tàu và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
+ Trẻ em từ đủ 10 tuổi trở xuống (nếu không xác định được tuổi thì có chiều cao dưới 1,32 m) mà không có người lớn đi kèm;
+ Người say rượu, người mất trí, người có bệnh truyền nhiễm, người có bệnh tật mà bác sỹ chỉ định không di chuyển hoặc xét thấy có thể nguy hiểm đến bản thân người đó khi đi tàu (trừ trường hợp có người đi cùng trông nom và người có bệnh truyền nhiễm đã được cách ly an toàn);
+ Do nguyên nhân bất khả kháng hoặc phải vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt theo mệnh lệnh của cơ quan có thẩm quyền như phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ, an ninh, quốc phòng.
- Các dịp cao điểm lễ, tết, hè khi mà nhu cầu vận tải hành khách tăng cao, thì doanh nghiệp được phép sắp xếp thêm ghế phụ và chuyển đổi giường nằm thành ghế ngồi để vận chuyển hành khách trên toa xe. Trong trường hợp này cần đảm bảo các điều kiện sau đây: không được phép vượt quá tải trọng cho phép của toa xe, tải trọng cầu đường và đảm bảo chất lượng phục vụ, thuận tiện, an toàn cho hành khách, an toàn chạy tàu; công bố công khai phương án bán ghế phụ, chuyển đổi giường nằm thành ghế ngồi trước khi bán vé cho hành khách.
- Thực hiện các quyền khác theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Đường sắt.
* Nghĩa vụ của doanh nghiệp
- Niêm yết tại ga, trạm đường sắt, các điểm bán vé tàu và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp những thông tin sau:
+ Giờ tàu, giá vé hành khách, hành lý ký gửi trước thời điểm áp dụng, kế hoạch bán vé. Đối với các tàu bán vé bằng hệ thống điện tử phải thông báo số chỗ còn cho hành khách;
+ Hàng hóa là hành lý ký gửi bị nghiêm cấm trong hoạt động vận tải đường sắt;
+ Hàng hóa là hành lý xách tay không được mang theo người;
+ Hàng hóa là hành lý ký gửi phải thực hiện theo quy định của Điều 62, Điều 63, Điều 64 của Luật Đường sắt;
+ Chủng loại hàng hóa, khối lượng, kích thước tối đa cho phép của hành lý xách tay được vận chuyển miễn phí; quy cách đóng gói hành lý;
+ Chủng loại hàng hóa, khối lượng, số lượng tối đa nhận vận chuyển hành lý ký gửi tùy theo loại tàu và tuyến đường;
+ Các quy định của doanh nghiệp về trách nhiệm phục vụ hành khách đi tàu và các nội dung khác có liên quan đến việc thực hiện Thông tư này; các quy định của doanh nghiệp về vận tải hành khách, hành lý phải phù hợp với các quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Có biện pháp kiểm tra, kiểm soát hành khách, hành lý trên tàu, dưới ga để đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự trên tàu, dưới ga và trong suốt quá trình vận chuyển.
- Khi tàu khách đi, đến ga chậm giờ theo lịch trình, đại diện của doanh nghiệp, Trưởng tàu phải thông báo kịp thời cho hành khách biết.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về số liệu thống kê công tác vận tải hành khách, hành lý do doanh nghiệp thực hiện gửi Cục Đường sắt Việt Nam để báo cáo Bộ Giao thông vận tải theo quy định.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Tổ chức OSJD; quy định của Nghị định thư hội nghị đường sắt biên giới Việt Nam - Trung Quốc hàng năm.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật Đường sắt.
Trường hợp khách bị mất vé tàu thì giải quyết như thế nào?
Theo Điều 35 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về nghĩa vụ của hành khách đi tàu, trong đó bao gồm các yêu cầu đối với vé đi tàu như sau:
- Có vé đi tàu hợp lệ.
- Khi có yêu cầu của doanh nghiệp, hành khách, người đi tàu có trách nhiệm xuất trình vé và một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này, các giấy tờ khác theo quy định của doanh nghiệp khi vào, ra ga, trạm, khi lên tàu, khi ở trên tàu.
Về vé hành khách được quy định tại Điều 4 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT như sau:
- Vé hành khách được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật Đường sắt. Vé hành khách được phát hành theo hình thức vé cứng và vé điện tử.
- Vé hành khách hợp lệ phải đảm bảo các điều kiện sau:
+ Do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) phát hành;
+ Đối với vé cứng: Không bị tẩy, xóa, sửa chữa, còn đủ các thông tin và phải đi đúng chuyến tàu, thời gian ghi trên vé;
+ Đối với vé điện tử: Có bản in, bản chụp thẻ lên tàu theo quy định của doanh nghiệp hoặc có bằng chứng được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, trên đó có đầy đủ các thông tin cá nhân trùng khớp với một trong các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.
- Khi phát hành vé cứng, vé điện tử, doanh nghiệp phải thông báo công khai và hướng dẫn các quy định cho hành khách cách sử dụng vé để đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của hành khách.
Theo đó, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT định nghĩa về vé cứng và vé điện tử như sau:
- Vé cứng là vé do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt phát hành dưới hình thức in sẵn.
- Vé điện tử là vé do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt phát hành, được lưu trữ dưới dạng dữ liệu điện tử.
Theo Điều 22 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT quy định về việc giải quyết sự cố, trở ngại trong trường hợp khách làm mất vé như sau:
- Trường hợp hành khách bị mất vé cứng thì hành khách báo cho nhân viên của doanh nghiệp. Trường hợp hành khách chứng minh được quyền sở hữu vé, doanh nghiệp có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận để hành khách tiếp tục đi tàu. Mẫu Giấy xác nhận do doanh nghiệp quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp không có đủ cơ sở để xác minh được là hành khách đã có vé đi tàu thì hành khách phải mua vé bổ sung theo quy định của doanh nghiệp hoặc hành khách phải xuống tàu tại ga gần nhất tàu có đỗ.
Theo đó, trường hợp người đi tàu không có vé phải mua vé bổ sung được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp bán vé bổ sung cho đối tượng này cũng phải tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 09/2018/TT-BGTVT như sau:
Doanh nghiệp bán vé tàu bổ sung cho hành khách, người đi tàu trên cơ sở khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hành khách khác.
Như vậy, kinh doanh vận tải hành khách là hình thức hoạt động thuộc kinh doanh vận tải đường sắt nên cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện khi thực hiện. Doanh nghiệp khi kinh doanh vận tải hành khách bằng đường sắt có đầy đủ các quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.
Khi giải quyết sự cố, trở ngại trong trường hợp hành khách làm mất vé tàu nếu chứng minh được quyền sở hữu vé thì sẽ được cấp Giấy xác nhận để hành khách tiếp tục đi tàu. Trường hợp không chứng minh được thì hành khách phải mua vé bổ sung theo quy định nhưng phải trong khả năng đáp ứng của doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hành khách khác hoặc hành khách phải xuống ga gần nhất tàu có đỗ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải mẫu thông báo dữ liệu phản ánh vi phạm giao thông 2025? Ai tiếp nhận thông tin hình ảnh vi phạm giao thông do cá nhân cung cấp?
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?
- Cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới đối với công trình xây dựng thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được không?
- Mẫu công văn từ chối nhận hàng dành cho bên mua mới nhất? Bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng khi nào?
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm những gì?