Kinh doanh dịch vụ hỏa táng có cần Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không? Quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng để kinh doanh dịch vụ hỏa táng cần đáp ứng những điều kiện gì?
Kinh doanh dịch vụ hỏa táng là gì?
Kinh doanh dịch vụ hỏa táng (Hình từ Internet)
Căn cứ theo khoản 19 Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định dịch vụ hỏa táng bao gồm tổ chức tang lễ, hỏa táng thi hài hoặc hài cốt và bảo quản, lưu giữ tro cốt.
Theo khoản 12 Điều 2 Nghị định 23/2016/NĐ-CP quy định: “Cơ sở hỏa táng là cơ sở vật chất bao gồm lò hỏa táng và các công trình phụ trợ khác (khu văn phòng, khu kỹ thuật, khu lưu trữ tro cốt, nhà tang lễ, các công trình hạ tầng kỹ thuật).”
Bên cạnh đó, theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam thì kinh doanh dịch vụ hỏa táng là hoạt động dịch vụ phục vụ tang lễ thuộc một trong những ngành, nghề thuộc Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, cụ thể như sau:
9632 - 96320: Hoạt động dịch vụ phục vụ tang lễ
Nhóm này gồm:
- Dịch vụ địa táng, hỏa táng, điện táng các dịch vụ có liên quan khác;
- Bảo quản thi hài, khâm liệm và các dịch vụ chuẩn bị cho địa táng, hỏa táng, điện táng;
- Dịch vụ nhà tang lễ;
- Bán đất xây mộ hoặc cho thuê đất đào mộ;
- Trông coi nghĩa trang.
Loại trừ: Hoạt động dịch vụ tang lễ mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo được phân vào nhóm 94910 (Hoạt động của các tổ chức tôn giáo).
Kinh doanh dịch vụ hỏa táng có cần Giấy phép đăng ký doanh nghiệp?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành cơ sở hỏa táng là ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện thuộc Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2020.
Căn cứ theo Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 được hướng dẫn bởi Điều 34 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cụ thể như sau:
- Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
+ Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các điều 37, 38, 39 và 41 của Luật này;
+ Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
+ Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Các thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có giá trị pháp lý kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh sau ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp được quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày doanh nghiệp đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
- Doanh nghiệp có quyền yêu cầu Phòng Đăng ký kinh doanh cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải nộp phí theo quy định.
- Trường hợp doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới thì Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của các lần trước đó không còn hiệu lực.
Như vậy, kinh doanh dịch vụ hỏa táng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và có cần Giấy phép đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng để kinh doanh dịch vụ hỏa táng cần đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 23/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 3 Nghị định 98/2019/NĐ-CP quy định các điều kiện chung về quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng như sau:
- Cơ sở hỏa táng phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan, quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hỏa táng được cấp có thẩm quyền phê duyệt
- Đối với cơ sở hỏa táng được xây dựng ngoài nghĩa trang thì khoảng cách an toàn môi trường từ công trình hỏa táng tới khu dân cư, công trình công cộng phải đảm bảo tối thiểu 500 m.
- Công nghệ hỏa táng:
+ Cơ sở hỏa táng phải sử dụng công nghệ hỏa táng hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy chuẩn kỹ thuật môi trường về lò hỏa táng;
+ Công nghệ hỏa táng lần đầu được áp dụng tại Việt Nam phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định. Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định công nghệ hỏa táng lần đầu áp dụng ở Việt Nam.
- Chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động của cơ sở hỏa táng phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo môi trường theo quy định.
- Cơ sở hỏa táng khi đưa vào sử dụng phải có nội quy quản lý. Nội dung cơ bản của nội quy quản lý bao gồm:
+ Các quy định liên quan đến việc tiếp nhận đăng ký, tổ chức hỏa táng, các loại dịch vụ và giá dịch vụ hỏa táng;
+ Các quy định về thực hiện việc hỏa táng và hướng dẫn bàn giao tro cốt sau khi hỏa táng;
+ Các quy định về hoạt động thăm viếng, tưởng niệm nếu cơ sở hỏa táng có dịch vụ lưu tro cốt;
+ Các hành vi vi phạm và quy định xử phạt;
+ Trách nhiệm của đơn vị quản lý và người sử dụng dịch vụ hỏa táng.
- Chủ đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng được hưởng ưu đãi về: Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; đất đai, giải phóng mặt bằng; huy động vốn đầu tư và thuế theo quy định pháp luật hiện hành.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?
- Phân biệt biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe 2025? Lỗi đỗ xe không bật đèn cảnh báo ô tô phạt bao nhiêu 2025?
- Hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm mục đích gì?
- Giao xe cho người chưa đủ 16 tuổi phạt bao nhiêu 2025? Lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi bị trừ điểm không?
- Lịch nghỉ Tết J&T 2025 Ất Tỵ chính thức? Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 J&T Express? Quy định thưởng Tết tháng 13 thế nào?