Khi xây dựng, ban hành thủ tục hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc nào? Việc quy định thủ tục hành chính phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Thủ tục hành chính được hiểu như thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 63/2010/NĐ-CP như sau:
"1. “Thủ tục hành chính” là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức."
Như vậy, thủ tục hành chính gồm:
- Các bước tiến hành (của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính) trong giải quyết một công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức.
- Các loại giấy tờ mà đối tượng thực hiện thủ tục hành chính cần phải nộp hoặc xuất trình cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính trước khi cơ quan thực hiện thủ tục hành chính giải quyết một công việc cụ thể cho cá nhân, tổ chức.
- Những đòi hỏi mà đối tượng thực hiện thủ tục hành chính phải đáp ứng hoặc phải làm khi thực hiện một thủ tục hành chính cụ thể.
Thủ tục hành chính được quy định để các cơ quan Nhà nước có thể thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước. Thông qua thủ tục hành chính, các cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng thực hiện được quyền của mình.
Khi xây dựng, ban hành, thủ tục hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc nào?
Khi xây dựng, ban hành thủ tục hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc nào?
Khi xây dựng, ban hành thủ tục hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc theo Điều 7 Nghị định 63/2010/NĐ-CP như sau:
- Đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện.
- Phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước.
- Bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính.
- Tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước.
- Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính; thủ tục hành chính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trên cơ sở bảo đảm tính liên thông giữa các thủ tục hành chính liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý; dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của cơ quan nào, cơ quan đó phải có trách nhiệm hoàn chỉnh.
Việc quy định thủ tục hành chính phải đáp ứng những yêu cầu gì?
Theo Điều 8 Nghị định 63/2010/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 92/2017/NĐ-CP quy định về yêu cầu của việc quy định thủ tục hành chính:
- Thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
- Việc quy định một thủ tục hành chính chỉ hoàn thành khi đáp ứng đầy đủ các bộ phận tạo thành cơ bản sau đây:
+ Tên thủ tục hành chính;
+ Trình tự thực hiện;
+ Cách thức thực hiện;
+ Thành phần, số lượng hồ sơ;
+ Thời hạn giải quyết;
+ Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính;
+ Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính;
+ Trường hợp thủ tục hành chính phải có mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí thì mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính; kết quả thực hiện thủ tục hành chính; yêu cầu, điều kiện; phí, lệ phí là bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính.
- Khi được luật giao quy định về thủ tục hành chính, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm quy định đầy đủ, rõ ràng, chi tiết, cụ thể về các bộ phận tạo thành của thủ tục hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều này
Các hành vi nào nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính?
Theo Điều 6 Nghị định 63/2010/NĐ-CP quy định các hành vi nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính như sau:
(1) Tiết lộ thông tin về hồ sơ tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính mà mình biết được khi thực hiện thủ tục hành chính, trừ trường hợp được đối tượng thực hiện thủ tục hành chính đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; sử dụng thông tin đó để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
(2) Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian thực hiện hoặc tự ý yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định mà không nêu rõ lý do bằng văn bản;
(3) Hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, gây khó khăn cho đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; lợi dụng các quy định, các vướng mắc về thủ tục hành chính để trục lợi;
(4) Nhận tiền hoặc quà biếu dưới bất cứ hình thức nào từ đối tượng thực hiện thủ tục hành chính khi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính ngoài phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính đã được quy định và công bố công khai;
(5) Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, chậm trễ, gây cản trở trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
* Nghiêm cấm đối tượng thực hiện thủ tục hành chính cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền; đưa hối lộ hoặc dùng các thủ đoạn khác để lừa dối cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong thực hiện thủ tục hành chính.
* Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính.
Như vậy, có 5 hành vi nghiêm cấm cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trình tự thủ tục xác định bí mật nhà nước và độ mật của bí mật nhà nước của Bộ Xây dựng như thế nào?
- Bằng lái xe máy giả bị phạt bao nhiêu 2025? Mức phạt hành vi sử dụng bằng lái xe máy giả theo Nghị định 168?
- Như thế nào là chở hàng cồng kềnh? Lỗi chở hàng cồng kềnh 2025 bị phạt bao nhiêu? Kích thước chở hàng xe máy?
- Điều kiện để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam là gì?
- Viết đoạn văn kể lại hoạt động của các bạn nhỏ trong tranh Tiếng việt 3? Học sinh tiểu học có những quyền gì?