Khi nào phạm nhân được sử dụng buồng hạnh phúc? Những vật dụng được mang khi gặp phạm nhân tại buồng hạnh phúc?
Khi nào phạm nhân được sử dụng buồng hạnh phúc?
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định định nghĩa cụ thể về buồng hạnh phúc. Tuy nhiên, phòng hạnh phúc hay còn gọi là “buồng hạnh phúc” hoặc “buồng vợ chồng” có thể hiểu là tên gọi chỉ một không gian riêng tại các cơ sở giam giữ, được xem như một “phần thưởng” cho những phạm nhân cải tạo tốt có cơ hội được gặp vợ hoặc chồng của mình tại phòng riêng, với nhiều người, đây có thể được xem là nơi “hạnh phúc” nhất trong trại giam.
Theo quy định, nếu phạm nhân chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể quyết định cho phạm nhân sử dụng buồng hạnh phúc khi đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA. Cụ thể:
Trường hợp | Điều kiện | Thời gian gặp |
1 | - Có ít nhất 06 tháng liền kề thời điểm gặp vợ/chồng được xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên; - Thời gian từ khi xếp loại 03 tháng gần nhất đến thời điểm gặp vợ/chồng được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên | Không quá 03 giờ |
2 | - Có ít nhất 12 tháng liền kề thời điểm gặp thân nhân được xếp loại tốt - Thời gian từ khi xếp loại quý liền kề gần nhất đến thời điểm gặp thân nhân được nhận xét, đánh giá, xếp loại chấp hành án phạt tù tốt và được khen thưởng do có thành tích lao động, học tập. | Từ trên 03 giờ đến không quá 24h |
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 14/2020/TT-BCA thì khi phạm nhân được gặp vợ/chồng ở buồng hạnh phúc, tùy theo điều kiện cụ thể, phạm nhân có thể được ăn cơm cùng vợ/chồng tại căng tin Nhà gặp phạm nhân, thời gian ăn cơm không quá 01 giờ.
*Lưu ý: Định nghĩa nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo!
Khi nào phạm nhân được sử dụng buồng hạnh phúc? Những vật dụng được mang khi gặp phạm nhân tại buồng hạnh phúc? (Hình từ Internet)
Để được gặp phạm nhân ở buồng hạnh phúc trong trại giam cần chuẩn bị những giấy tờ gì?
Theo khoản 4 Điều 5 Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định các giấy tờ cần chuẩn bị để gặp phạm nhân ở buồng hạnh phúc bao gồm:
Vợ/chồng của phạm nhân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
(1) Đơn xin gặp phạm nhân có xác nhận của UBND cấp xã/công an cấp xã nơi vợ/chồng đang sinh sống hoặc làm việc (trong trường hợp vợ/chồng không có tên trong Sổ gặp phạm nhân)
(2) Có một trong các loại giấy tờ tùy thân:
- Chứng minh nhân dân hoặc
- Căn cước công dân hoặc
- Hộ chiếu hoặc
- Giấy tờ chứng minh là cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên nếu thuộc lực lượng vũ trang.
(3) Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Trích lục kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của UBND cấp xã thể hiện thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân.
(4) Đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của thân nhân phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân, thực hiện phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.
Phạm nhân phải chuẩn bị giấy tờ sau:
(1) Đơn xin gặp vợ, chồng ở phòng riêng của phạm nhân đồng thời cam kết việc chấp hành pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân và các quy định pháp luật về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành;
(2) Giấy cam kết không mang thai (trong trường hợp là phạm nhân nữ).
Lưu ý: Phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.
Những vật dụng được mang khi gặp phạm nhân tại buồng hạnh phúc bao gồm?
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 14/2020/TT-BCA quy định như sau:
Trách nhiệm của phạm nhân và người đến gặp phạm nhân
1. Khi gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác, phạm nhân phải mặc quần áo dài của cơ sở giam giữ phạm nhân cấp bảo đảm gọn gàng, sạch sẽ (trường hợp phạm nhân mới đến chấp hành án, chưa được cấp quần áo thì được mặc quần áo dài thường nhưng phải đóng dấu theo nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân); nghiêm chỉnh chấp hành nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, nội quy Nhà gặp phạm nhân và tuân theo sự hướng dẫn của các cán bộ có trách nhiệm trong việc tổ chức cho phạm nhân gặp thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác.
2. Thân nhân, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác đến gặp phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy Nhà gặp phạm nhân, nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ làm nhiệm vụ và những cán bộ có trách nhiệm khác. Thân nhân, cá nhân; đại diện cơ quan, tổ chức không được đưa vào Nhà gặp phạm nhân các đồ vật thuộc danh mục đồ vật cấm theo quy định của Bộ Công an. Nếu gửi đồ vật cho phạm nhân thì phải kê khai vào phiếu gửi đồ vật cho phạm nhân và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về đồ vật được gửi. Đối với trường hợp gặp ở phòng riêng thì chỉ được mang theo quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng, lược nhựa, nước uống, dụng cụ tránh thai và phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục đối với trường hợp gặp vợ hoặc chồng.
...
Theo quy định nêu trên, các vật dụng vợ/chồng được mang khi gặp phạm nhân tại buồng hạnh phúc bao gồm:
- Quần áo;
- Khăn mặt;
- Bàn chải đánh răng, kem đánh răng;
- Lược nhựa;
- Nước uống;
- Dụng cụ tránh thai và phòng bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?
- Phân biệt biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe 2025? Lỗi đỗ xe không bật đèn cảnh báo ô tô phạt bao nhiêu 2025?
- Hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nhằm mục đích gì?
- Giao xe cho người chưa đủ 16 tuổi phạt bao nhiêu 2025? Lỗi giao xe cho người chưa đủ tuổi bị trừ điểm không?
- Lịch nghỉ Tết J&T 2025 Ất Tỵ chính thức? Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 J&T Express? Quy định thưởng Tết tháng 13 thế nào?