Khi bán ô tô là tài sản chung của vợ chồng thì cần phải có văn bản đồng ý bán của cả hai vợ chồng đúng không?
Ô tô được xác định là tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Theo đó, tài sản được xác định là tài sản chung của vợ chồng trong các trường hợp sau:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
- Tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung;
- Tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung;
- Tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Như vậy, trong trường hợp ô tô là tài sản thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì ô tô được xác định là tài sản chung của vợ chồng.
Việc bán ô tô là tài sản chung của vợ chồng có cần văn bản đồng ý bán của cả hai vợ chồng không?
Bán ô tô là tài sản chung của vợ chồng có cần văn bản đồng ý bán của cả hai vợ chồng không? (Hình từ Internet)
Căn cứ Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về định đoạt tài sản chung như sau:
Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Theo đó, việc định đoạt tài sản chung là động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng.
Căn cứ khoản 3 Điều 53 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới như sau:
Điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới
…
3. Xe cơ giới phải đăng ký và gắn biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Và tại khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.
Như vậy, xe cơ giới, trong đó có xe ô tô là đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu.
Do đó, việc định đoạt tài sản chung là ô tô thuộc trường hợp định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng
Khi nào việc bán ô tô là tài sản chung của vợ chồng không cần văn bản đồng ý của cả hai vợ chồng?
Căn cứ Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng như sau:
Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng
1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Theo đó, vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Như vậy, trong trường hợp giữa vợ chồng đã thực hiện ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng là ô tô thì khi bán ô tô này sẽ do bên vợ hoặc chồng được ủy quyền thực hiện mà không cần văn bản đồng ý của cả hai vợ chồng
Bên cạnh đó, tại Điều 36 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung được đưa vào kinh doanh như sau:
Tài sản chung được đưa vào kinh doanh
Trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Theo đó, trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận bằng văn bản về việc một bên đưa tài sản chung là ô tô vào kinh doanh thì bên đó cũng có quyền tự mình bán ô tô này mà không cần có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người yêu cầu cấp dưỡng khởi kiện thì có phải được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí hay không?
- Tranh chấp lao động tập thể về quyền là gì? Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền?
- Bị vu khống trộm cắp tài sản xử lý như thế nào? Vu khống người khác trộm cắp tài sản có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?
- Giáng sinh ngày mấy tháng mấy? Lễ Giáng sinh là lễ lớn ở Việt Nam? Công dân có những quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nào?
- Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng hoạt động theo chế độ gì? Thành phần tham gia xác minh, kiểm tra hiện trường thanh lý rừng trồng?