Khái niệm bất động sản và động sản? Ví dụ về động sản và bất động sản? Phần đất mà chủ sở hữu bất động sản được dựng hàng rào?
Khái niệm bất động sản? Động sản bao gồm? Ví dụ về động sản và bất động sản?
Hiện nay, không có quy định nào chỉ rõ khái niệm bất động sản là gì.
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 thì bất động sản bao gồm:
- Đất đai;
- Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;
- Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;
- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
Và động sản là những tài sản không phải là bất động sản.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản được quy định như sau:
(1) Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
(2) Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cũng có quy định về kinh doanh bất động sản như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kinh doanh bất động sản là hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc bỏ vốn để tạo lập nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản.
...
Như vậy, từ các quy định trên, có thể thấy bất động sản là tài sản không thể di dời được, gắn liền với đất đai như đất đai và nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; hoặc các tài sản cố định khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng.
Ví dụ về bất động sản:
- Đất đai.
- Nhà ở (Không thể di chuyển hoặc chỉ có thể di chuyển khi phá dỡ hoặc làm thay đổi kết cấu)
- Tòa nhà văn phòng (Không thể di chuyển hoặc chỉ có thể di chuyển khi phá dỡ hoặc làm thay đổi kết cấu)
- Cây lâu năm (khi gắn liền với đất).
- Máy móc cố định trong nhà máy (gắn liền với nhà máy và nhà máy là bất động sản).
Bên cạnh đó, động sản có thể hiểu là tài sản có thể di dời được, không gắn liền với đất đai, bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá.
Ví dụ về động sản:
- Xe máy, ô tô (không gắn liền với đất đai, có thể di dời được mà không làm thay đổi kết cấu)
- Tiền mặt, vàng.
- Đồ gia dụng (tủ lạnh, máy giặt).
Lưu ý: Khi động sản được gắn liền với bất động sản, chúng có thể được coi là bất động sản, ví dụ như chiếc đèn gắn liền với nhà và không thể di chuyển được (nhà là bất động sản).
(*Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo)
Khái niệm bất động sản và động sản? Ví dụ về động sản và bất động sản? Phần đất mà chủ sở hữu bất động sản được dựng hàng rào? (Hình từ Internet)
Ranh giới giữa các bất động sản được pháp luật quy định như thế nào?
Tại Điều 175 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về ranh giới giữa các bất động sản như sau:
(1) Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp.
+ Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.
(2) Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chủ sở hữu bất động sản được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất nào?
Căn cứ quy định tại Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015 về mốc giới ngăn cách các bất động sản như sau:
Mốc giới ngăn cách các bất động sản
1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
...
Theo đó, chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
Lưu ý:
- Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
- Đối với mốc giới là tường nhà chung, chủ sở hữu bất động sản liền kề không được trổ cửa sổ, lỗ thông khí hoặc đục tường để đặt kết cấu xây dựng, trừ trường hợp được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý.
+ Trường hợp nhà xây riêng biệt nhưng tường sát liền nhau thì chủ sở hữu cũng chỉ được đục tường, đặt kết cấu xây dựng đến giới hạn ngăn cách tường của mình.
+ Đối với cây là mốc giới chung, các bên đều có nghĩa vụ bảo vệ; hoa lợi thu được từ cây được chia đều, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
(Khoản 2 Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015)
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Thiết kế sơ bộ trong xây dựng là thiết kế thể hiện những gì? Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng?
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?