Kết quả xét nghiệm dương tính HIV có được giữ bí mật không? Nếu ai đó tiết lộ kết quả này mà chưa được đồng ý thì có vi phạm pháp luật không?
Xét nghiệm HIV là gì?
Khoản 11 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006), được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020 (gọi tắt là Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi 2020) quy định về xét nghiệm HIV như sau:
“11. Xét nghiệm HIV là việc thực hiện các kỹ thuật chuyên môn nhằm xác định tình trạng nhiễm HIV trong mẫu máu, mẫu dịch sinh học của cơ thể người, bao gồm xét nghiệm sàng lọc HIV và xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.”;
Theo đó, việc thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV và xét nghiệm khẳng định dương tính HIV được quy định tại khoản 1, 2 Điều 29 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi 2020 như sau :
“Điều 29. Xét nghiệm sàng lọc HlV, xét nghiệm khẳng định HIV dương tính.
1. Xét nghiệm sàng lọc HIV được thực hiện tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm.
2. Xét nghiệm khẳng định HIV dương tính, chỉ được thực hiện tại cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định HIV dương tính. Người được xét nghiệm muốn nhận kết quả xét nghiệm phải cung cấp địa chỉ nơi cư trú và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có ảnh, thông tin cá nhân do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn giá trị sử dụng.”
Có bắt buộc phải giữ bí mật kết quả xét nghiệm và thông tin người dương tính với HIV hay không?
Điểm d khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 quy định về quyền của người nhiễm HIV: “được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS”.
Bên cạnh đó, khoản 5 Điều 8 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 còn nghiêm cấm đối với hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người nhiễm HIV hoặc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thông báo về kết quả xét nghiệm HIV dương tính theo quy định tại Điều 30 Luật Phòng chống HIV/AIDS 2006, sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi 2020. Những đối tượng có quyền nhận thông báo kết quả xét nghiệm HIV và được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV quy định tại khoản 2, 3 Điều 30 Luật Phòng chống HIV/AIDS 2006, sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi 2020 cũng phải có trách nhiệm giữ bí mật thông tin người nhiễm HIV (trừ người được xét nghiệm)
Ngoài ra, khoản 3 Điều 25 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006 cũng quy định:
“3. Nhân viên xét nghiệm và cơ sở xét nghiệm HIV có trách nhiệm giữ bí mật kết quả xét nghiệm và chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm cho mục đích giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và nghiên cứu khoa học.”
Như vậy, kết quả xét nghiệm HIV và thông tin người nhiễm HIV là những vấn đề cần được bảo mật theo quy định của pháp luật.
Ai có quyền được biết kết quả xét nghiệm HIV dương tính ?
Theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật Phòng chống HIV/AIDS sửa đổi 2020, sửa đổi, bổ sung Điều 30 Luật Phòng, chống HIV/AIDS 2006:
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính chỉ được thông báo cho những người sau đây:
- Người được xét nghiệm;
- Vợ hoặc chồng của người được xét nghiệm; cha, mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện của người được xét nghiệm là người dưới 18 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Người được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho người được xét nghiệm;
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS; người được giao nhiệm vụ giám sát dịch tễ học HIV/AIDS;
- Người đứng đầu, điều dưỡng viên trưởng của khoa, phòng, đơn vị khác của cơ sở y tế có người nhiễm HIV được điều trị; nhân viên y tế được giao trách nhiệm trực tiếp điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV tại cơ sở y tế;
- Người đứng đầu, người phụ trách y tế, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV tại cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác;
- Người đứng đầu và cán bộ, công chức được giao trách nhiệm của các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Như vậy, chỉ những đối tượng trên đây mới có quyền được biết về kết quả xét nghiệm HIV dương tính của một người.
Xử lý như thế nào với hành vi tiết lộ người khác bị nhiễm HIV?
Điểm c khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 Điều 19, điểm đ khoản 3 Điều 20 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định một số hình thức xử lý đối với hành vi tiết lộ kết quả xét nghiệm HIV dương tính, tiết lộ một người bị nhiễm HIV như sau:
“Điều 19. Vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông trong phòng, chống HIV/AIDS
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
c) Tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi công khai tên, địa chỉ, hình ảnh người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó, trừ trường hợp thực hiện việc phản hồi thông tin trong hoạt động giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và thông báo kết quả xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
…
c) Buộc xin lỗi trực tiếp người nhiễm HIV, thành viên gia đình người nhiễm HIV và cải chính thông tin công khai trên phương tiện thông tin đại chúng nơi người nhiễm HIV sinh sống liên tục trong 03 ngày theo quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều này, trừ trường hợp người nhiễm HIV không đồng ý xin lỗi công khai.”
“Điều 20. Vi phạm quy định về tư vấn và xét nghiệm HIV
…
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…
đ) Thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính cho đối tượng không đúng quy định của pháp luật, tiết lộ bí mật kết quả xét nghiệm HIV dương tính trong trường hợp pháp luật quy định phải giữ bí mật; “1. Người đứng đầu cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này có trách nhiệm thực hiện việc thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính.”
Lưu ý: khoản 5 Điều 4 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định:
"5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân."
Theo đó, mức phạt trên là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng mức phạt tiền phù hợp với từng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Như vậy, thông tin về kết quả xét nghiệm, người nhiễm HIV được đảm bảo bí mật trong một phạm vi nhất định. Trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về việc tiết lộ thông tin trên một cách bất hợp pháp thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?
- Cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới đối với công trình xây dựng thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được không?
- Mẫu công văn từ chối nhận hàng dành cho bên mua mới nhất? Bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng khi nào?
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm những gì?
- Kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2024 2025? Thi học sinh giỏi quốc gia có bao nhiêu giải?