Hội đồng tự đánh giá của trường tiểu học phải có ít nhất bao nhiêu thành viên? Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tự đánh giá trường tiểu học là gì?
Quy trình tự đánh giá của trường tiểu học gồm mấy bước?
Về định nghĩa tự đánh giá được giải thích tại khoản 2 Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT như sau:
Tự đánh giá là quá trình trường tiểu học dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, tự xem xét, đánh giá thực trạng chất lượng các hoạt động giáo dục, cơ sở vật chất, các vấn đề liên quan khác của nhà trường để điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học.
Tiếp đến về các bước để tiến hành tự đánh giá của trường tiểu học được quy định tại Điều 23 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT bao gồm 07 bước sau đây:
Quy trình tự đánh giá
Quy trình tự đánh giá của trường tiểu học gồm các bước sau:
1. Thành lập hội đồng tự đánh giá.
2. Lập kế hoạch tự đánh giá.
3. Thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng.
4. Đánh giá các mức đạt được theo từng tiêu chí.
5. Viết báo cáo tự đánh giá.
6. Công bố báo cáo tự đánh giá.
7. Triển khai các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.
Để biết thêm chi tiết về quy trình tự đánh giá này, xem hướng dẫn tại Mục I Phần I Công văn 5932/BGDĐT-QLCL năm 2018.
Trường tiểu học (Hình từ Internet)
Hội đồng tự đánh giá trường tiểu học phải có ít nhất bao nhiêu thành viên? Và thành phần của Hội đồng gồm những ai?
Tại Điều 24 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT quy định về Hội đồng tự đánh giá của trường tiểu học như sau:
Hội đồng tự đánh giá
1. Hiệu trưởng ra quyết định thành lập hội đồng tự đánh giá. Hội đồng có ít nhất 07 (bảy) thành viên.
2. Thành phần của hội đồng tự đánh giá:
a) Chủ tịch hội đồng là hiệu trưởng;
b) Phó chủ tịch hội đồng là phó hiệu trưởng;
c) Thư ký hội đồng là tổ trưởng tổ chuyên môn hoặc tổ trưởng tổ văn phòng hoặc trưởng các bộ phận khác (nếu có) hoặc giáo viên có năng lực của nhà trường;
d) Các ủy viên hội đồng: Đại diện Hội đồng trường (Hội đồng quản trị đối với trường tư thục); tổ trưởng tổ chuyên môn, tổ trưởng tổ văn phòng; đại diện cấp ủy Đảng và các tổ chức đoàn thể; đại diện giáo viên.
Như vậy chiếu với quy định trên thì Hội đồng tự đánh giá của trường tiểu học bao gồm có ít nhất 07 thành viên.
Thành phần của Hội đồng tự đánh giá gồm có:
(1) Chủ tịch Hội đồng là hiệu trưởng;
(2) Phó chủ tịch Hội đồng là phó hiệu trưởng;
(3) Thư ký Hội đồng;
(4) Các ủy viên Hội đồng.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng tự đánh giá trường tiểu học là gì?
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng, căn cứ tại Điều 25 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT:
* Nhiệm vụ của Hội đồng tự đánh giá
- Chủ tịch hội đồng điều hành các hoạt động của hội đồng, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; phê duyệt kế hoạch tự đánh giá; thành lập nhóm thư ký và các nhóm công tác để triển khai tự đánh giá.
Chỉ đạo quá trình thu thập, xử lý, phân tích minh chứng; hoàn thiện báo cáo tự đánh giá; giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai tự đánh giá;
- Phó chủ tịch hội đồng thực hiện các nhiệm vụ do chủ tịch hội đồng phân công, điều hành hội đồng khi được chủ tịch hội đồng ủy quyền;
- Thư ký hội đồng, các ủy viên hội đồng thực hiện công việc do chủ tịch hội đồng phân công và chịu trách nhiệm về công việc được giao.
* Quyền hạn của Hội đồng tự đánh giá
- Tổ chức triển khai hoạt động tự đánh giá và tư vấn cho hiệu trưởng các biện pháp duy trì, nâng cao chất lượng các hoạt động của nhà trường;
- Lập kế hoạch tự đánh giá; thu thập, xử lý và phân tích các minh chứng; viết báo cáo tự đánh giá; bổ sung, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá khi cơ quan quản lý trực tiếp yêu cầu; công bố báo cáo tự đánh giá; lưu trữ cơ sở dữ liệu về tự đánh giá của nhà trường;
- Được đề nghị hiệu trưởng thuê chuyên gia tư vấn để giúp hội đồng triển khai tự đánh giá. Chuyên gia tư vấn có hiểu biết sâu về đánh giá chất lượng và các kỹ thuật tự đánh giá.
Trường tiểu học có trách nhiệm như thế nào?
Theo Điều 43 Quy định ban hành kèm theo Thông tư 17/2018/TT-BGDĐT như sau:
Trách nhiệm của trường tiểu học
1. Tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lập kế hoạch xây dựng và phát triển phấn đấu từng giai đoạn trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia.
2. Tổ chức tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài; đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia khi xét thấy đảm bảo các tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học tại Quy định này.
3. Căn cứ kết quả đánh giá ngoài, bổ sung, hoàn thiện báo cáo tự đánh giá; thực hiện kế hoạch cải tiến chất lượng trong báo cáo tự đánh giá, các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài và chỉ đạo của cơ quan quản lý. Hằng năm báo cáo kết quả thực hiện cải tiến chất lượng đối với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp để được hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát.
4. Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, dữ liệu liên quan đến các hoạt động của nhà trường, các điều kiện cần thiết khác để phục vụ công tác đánh giá ngoài; phản hồi ý kiến về dự thảo báo cáo đánh giá ngoài đúng thời hạn.
5. Duy trì, phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, kết quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia để không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Địa điểm làm thủ tục hải quan là địa điểm nào theo quy định Luật Hải quan? Thủ tục hải quan là gì?
- Thành viên tạo lập thị trường là gì? Thành viên tạo lập thị trường được đồng thời thực hiện các giao dịch nào?
- Người đại diện của người bệnh thành niên có phải là thân nhân của người bệnh không? Có được lựa chọn người đại diện cho mình không?
- Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hoạt động trong những lĩnh vực nào thì được giảm thuế TNDN?
- Cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu bao nhiêu lượt khách lưu trú thì được công nhận khu du lịch cấp tỉnh?