Hội Cựu chiến binh Việt Nam ra đời thế nào? Ý nghĩa về Ngày truyền thống của Cựu chiến binh 06/12 hằng năm?
Hội Cựu chiến binh Việt Nam ra đời thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005 quy định Hội Cựu chiến binh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đại diện ý chí, nguyện vọng của Cựu chiến binh, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, một số địa phương đã xuất hiện những Câu lạc bộ Cựu chiến binh Ban liên lạc đồng đội, đồng ngũ, Ban liên lạc truyền thống,… Để giúp đỡ nhau trong cuộc sống đời thường. Nhiều ban liên lạc, câu lạc bộ đề nghị Đảng, Nhà nước cho pháp thành lập tổ chức Hội Cựu chiến binh trong cả nước.
Đến năm 1989, Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện ở Campuchia về nước. Ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc thực hiện việc rút quân khỏi các vị trí đã chiếm đóng, hoà bình thực sự đã trở lại trên toàn cõi Đông Dương.
Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đông đảo cựu chiến binh Việt Nam, ngày 06/12/1989, căn cứ Tờ trình của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Ngày 6 tháng 12 hằng năm chính là Ngày truyền thống của Cựu chiến binh Việt Nam căn cứ theo Điều 4 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005.
Ngày 14/4/1990, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra Quyết định số 51-QĐ/MTTQ. Công nhận Hội Cựu chiến binh Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ý nghĩa về Ngày truyền thống của Cựu chiến binh 06/12 hằng năm được quy định thế nào?
Ý nghĩa về Ngày truyền thống của Cựu chiến binh 06/12 được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 150/2006/NĐ-CP như sau:
- Tôn vinh, biểu dương sự cống hiến to lớn của Cựu chiến binh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta;
- Động viên các thế hệ Cựu chiến binh giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gương mẫu trong cuộc sống, là tấm gương sáng trong giáo dục cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, kịp thời tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của cựu chiến binh; tuyên truyền về cựu chiến binh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; tổ chức gặp mặt, thăm hỏi Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn và những hoạt động khác để động viên, giúp đỡ Cựu chiến binh.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam ra đời thế nào? Ý nghĩa về Ngày truyền thống của Cựu chiến binh 06/12 hằng năm? (Hình từ Internet)
Nghĩa vụ và quyền lợi của Cựu chiến binh được quy định thế nào?
(1) Nghĩa vụ của Cựu chiến binh được quy định Điều 8 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005 như sau:
- Cựu chiến binh phải phát huy truyền thống cách mạng, trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tham gia bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích của dân tộc.
- Cựu chiến binh phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, học tập, tuyên truyền, vận động nhân dân, gia đình chấp hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
- Cựu chiến binh có trách nhiệm tích cực tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, tham gia hoà giải, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Cựu chiến binh có trách nhiệm tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
(2) Quyền lợi của Cựu chiến binh được quy định Điều 7 Pháp lệnh Cựu chiến binh và Hội Cựu chiến binh Việt Nam năm 2005 như sau:
- Cựu chiến binh là người có công với cách mạng được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Cựu chiến binh được ưu tiên tạo việc làm, giao đất, giao rừng, giao mặt nước để sản xuất, kinh doanh và tham gia các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.
- Cựu chiến binh nghèo được ưu tiên vay vốn ngân hàng chính sách, các nguồn vốn ưu đãi khác để sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích xóa đói, giảm nghèo, được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng các chính sách khác đối với người nghèo.
- Cựu chiến binh hết tuổi lao động, cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước và xã hội tiếp nhận, chăm sóc tại các trung tâm nuôi dưỡng xã hội.
- Cựu chiến binh khi chết được chính quyền, cơ quan quân sự, đoàn thể địa phương phối hợp với Hội Cựu chiến binh Việt Nam và gia đình tổ chức tang lễ và được hưởng tiền mai táng theo quy định của Chính phủ.
- Cựu chiến binh được tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ban liên lạc Cựu quân nhân theo quy định của Điều lệ Hội, của pháp luật.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy định 225-QĐ/TW về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ra sao?
- Người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không phải khai tổng hợp trong những trường hợp nào?
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?