Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập dựa vào những tiêu chí nào? Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập cần đảm bảo những nguyên tắc gì?
Tiêu chí và khung xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như thế nào?
Về tiêu chí, căn cứ Điều 5 Quyết định 181/2005/QĐ-TTg quy định về các tiêu chí phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập, bao gồm các tiêu chí sau đây:
- Các nhóm tiêu chí phân loại:
+ Nhóm tiêu chí về loại hình và tính chất tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; ngành, lĩnh vực hoạt động theo các luật, pháp lệnh chuyên ngành tương ứng điều chỉnh;
+ Nhóm tiêu chí về cấp quản lý, chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước hoặc dịch vụ công đối với từng loại tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập;
+ Nhóm tiêu chí về ngành nghề, chuyên môn, nghiệp vụ.
- Các nhóm tiêu chí xếp hạng:
+ Nhóm tiêu chí về quy mô tổ chức, khối lượng công việc;
+ Nhóm tiêu chí về cơ cấu, trình độ lao động và độ phức tạp quản lý;
+ Nhóm tiêu chí về hạ tầng cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ, phương tiện làm việc;
+ Nhóm tiêu chí về hiệu quả sử dụng các nguồn lực, kết quả hoạt động có thu và mức độ đáp ứng nhu cầu phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; phát huy vai trò, tác dụng thực tế.
Như vậy, khi thực hiện xếp hạng, cơ quan có thẩm quyền phải căn cứ vào các nhóm tiêu chí trên để xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập tương ứng với khung xếp hạng của từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể.
Về khung xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập, căn cứ Điều 6 Quyết định 181/2005/QĐ-TTg quy định như sau:
- Khung xếp hạng đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc các ngành, lĩnh vực gồm có mười một hạng: hạng đặc biệt, hạng một, hạng hai, hạng ba, hạng bốn, hạng năm, hạng sáu, hạng bảy, hạng tám, hạng chín, hạng mười.
- Đối với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, số lượng hạng trong khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập khác nhau.
Theo đó, hiện nay pháp luật không quy định chung khung xếp hạng cho tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc mọi ngành và lĩnh vực. Mà đối với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, số lượng hạng trong khung xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập được cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định có sự khác nhau.
Ví dụ:
+ Tại tiểu mục 3 Mục I Thông tư 18/2006/TT-BLĐTB quy định xếp hạng một số loại hình đơn vị sự nghiệp công lập thuộc "ngành lao động, thương binh và xã hội" bao gồm 4 hạng: Hạng I, Hạng II, Hạng III và Hạng IV.
+ Còn tại Điều 4 Thông tư liên tịch 79/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV quy định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bao gồm 3 hạng: Hạng I, Hạng II, Hạng III. Đối với từng nhóm đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập theo quy định này cũng có sự khác nhau về số lượng hạng trong khung xếp hạng.
Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập dựa vào những tiêu chí nào? Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập cần đảm bảo những nguyên tắc gì? (Hình từ Internet)
Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập để làm gì?
Tại Điều 2 Quyết định 181/2005/QĐ-TTg đã xác định mục đích của việc xếp hạng tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập là nhằm hướng đến:
- Tiếp tục kiện toàn và tăng cường công tác quản lý đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập; khắc phục sự thiếu tính thống nhất về phân loại, xếp hạng và khuynh hướng nâng hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập.
- Thực hiện phân cấp quản lý cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc phạm vi quản lý của từng cấp.
- Phục vụ cho việc thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập là một căn cứ để quy định việc áp dụng chế độ phụ cấp chức vụ đối với cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý của từng loại tổ chức theo các mức xếp hạng tương ứng, bảo đảm sự thống nhất trong cả nước.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập trong từng ngành, lĩnh vực; đổi mới phương thức đầu tư cho mỗi loại tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập theo hệ thống phân loại, xếp hạng.
Có phải xét đến thứ bậc và hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo tại đơn vị sự nghiệp công lập khi xếp hạng đơn vị này?
Tại Điều 3 Quyết định 181/2005/QĐ-TTg quy định việc phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thực hiện theo những nguyên tắc sau:
- Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, phù hợp với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo theo chính sách cải cách tiền lương quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Trên cơ sở phân loại để xếp hạng theo nguyên tắc tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc hệ thống phân loại nào thì xếp hạng trong cùng hệ thống phân loại đó.
- Bảo đảm tương quan về thứ bậc và mối quan hệ hợp lý giữa hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc hệ thống tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức tham mưu, thực thi pháp luật thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
- Căn cứ vào các nhóm tiêu chí phân loại, xếp hạng và khung xếp hạng quy định tại Quyết định này và những tiêu chí cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng ngành, lĩnh vực.
- Đối với các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập thành lập mới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, quy định việc phân loại, xếp hạng tổ chức đó trong Quyết định thành lập.
Như vậy, khi thực hiện phân loại, xếp hạng các tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập, cơ quan có thẩm quyền phải đảm bảo các nguyên tắc nêu trên.
Trong đó, có nguyên tắc phải xem xét tương quan về thứ bậc và hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc hệ thống tổ chức sự nghiệp, dịch vụ công lập trong việc đảm bảo mối tương quan với hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý của các tổ chức tham mưu, thực thi pháp luật thuộc hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nộp tiền thuế không bằng tiền mặt là gì? Có thể nộp tiền thuế không bằng tiền mặt theo quy định?
- Lợi dụng dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bị xử phạt bao nhiêu tiền? Bình ổn giá trong trường hợp nào?
- Cá nhân buôn bán hàng hóa nhập lậu có giá trị dưới 3.000.000 đồng thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?
- Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn dưới 50 triệu đồng có phải ký hợp đồng? Nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn được xét duyệt trúng thầu khi nào?
- Cổng Dịch vụ công quốc gia được kết nối với hệ thống nào? Thông tin nào được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia?