Việc thẩm định các tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản được hướng dẫn như thế nào?
- Có bao nhiêu tiêu chí đánh giá khi thực hiện thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản?
- Nguyên tắc đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản thế nào?
- Việc đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với từng tiêu chí được hướng dẫn ra sao?
Có bao nhiêu tiêu chí đánh giá khi thực hiện thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản?
Căn cứ theo nội dung Hướng dẫn mẫu BB 1.3 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT, các nhóm chỉ tiêu đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản được xác định như sau:
- Địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản;
- Nước cấp;
- Con giống;
- Thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Thuốc thú y thủy sản;
- Xử lý chất thải;
- Người trực tiếp sản xuất;
- Ghi chép, truy xuất nguồn gốc.
Như vậy, hiện có 08 nhóm chỉ tiêu đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản.
Việc thẩm định các tiêu chí bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản được hướng dẫn như thế nào? (Hình từ Internet)
Nguyên tắc đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản thế nào?
Nguyên tắc đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản được quy định tại tiểu mục B Mục II Hướng dẫn mẫu BB 1.3 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT.
Cụ thể như sau:
- Không được bổ sung hoặc bỏ bớt nội dung, mức đánh giá đã được quy định trong mỗi nhóm chỉ tiêu;
- Với mỗi chỉ tiêu, chỉ xác định mức sai lỗi tại các cột có ký hiệu [ ], không được xác định mức sai lỗi vào cột không có ký hiệu [ ];
- Dùng ký hiệu X hoặc đánh dấu vào các vị trí mức đánh giá đã được xác định đối với mỗi nhóm chỉ tiêu;
- Kết quả đánh giá tổng hợp chung của một nhóm chỉ tiêu là mức đánh giá cao nhất của chỉ tiêu trong nhóm, thống nhất ghi như sau: Ac (Đạt), Mi (Lỗi nhẹ), Ma (Lỗi nặng), Se (Lỗi nghiêm trọng);
- Phải diễn giải chi tiết sai lỗi đã được xác định cho mỗi nhóm chỉ tiêu và thời hạn cơ sở phải khắc phục sai lỗi đó. Đối với nhóm chỉ tiêu không đánh giá cần ghi rõ lý do trong cột “Diễn giải sai lỗi và thời hạn khắc phục”.
Việc đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với từng tiêu chí được hướng dẫn ra sao?
Theo tiểu mục C Mục II Hướng dẫn mẫu BB 1.3 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 32/2022/TT-BNNPTNT, việc đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với từng tiêu chí được hướng dẫn như sau:
- Địa điểm của cơ sở nuôi trồng thủy sản
+ Đạt: Xa khu vực chứa, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải và các nguồn gây độc hại từ hoạt động của các ngành kinh tế khác, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thủy sản nuôi;
+ Lỗi nặng: Gần khu vực chứa, xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải và các nguồn gây độc hại từ hoạt động của các ngành kinh tế khác gây mất an toàn thực phẩm đối với thủy sản nuôi.
- Nước cấp
+ Đạt: Nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi các nguồn xả thải của khu dân cư/bệnh viện/khu công nghiệp, đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với thủy sản nuôi.
+ Lỗi nặng: Nguồn nước bị ảnh hưởng bởi nguồn xả thải của khu dân cư/bệnh viện/khu công nghiệp gây mất an toàn thực phẩm đối với thủy sản nuôi.
- Con giống
+ Đạt:
++ Được sản xuất tại cơ sở có Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, ương dưỡng đủ điều kiện theo quy định; có giấy chứng nhận kiểm dịch theo yêu cầu; chất lượng giống đảm bảo yêu cầu với từng đối tượng nuôi;
++ Không nuôi loài thủy sản chưa được phép kinh doanh tại Việt Nam.
+ Lỗi nặng: Sản xuất tại cơ sở chưa có Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất, ương dưỡng đủ điều kiện theo quy định; không có giấy kiểm dịch hoặc giống có nguồn gốc không rõ ràng.
+ Lỗi nghiêm trọng: Nuôi loài thủy sản chưa được phép kinh doanh tại Việt Nam.
- Thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản
+ Đạt:
++ Được sản xuất tại cơ sở sản xuất có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo quy định; đã công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hợp quy theo quy định; còn hạn sử dụng; không chứa chất bị cấm sử dụng theo quy định;
++ Vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng theo hướng dẫn của nhà cung cấp, nhà sản xuất.
+ Lỗi nặng: Sử dụng thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hết hạn dùng hoặc chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng hoặc chưa công bố hợp quy theo quy định hoặc vận chuyển lưu giữ, bảo quản, sử dụng không đảm bảo theo yêu cầu của nhà sản xuất.
+ Lỗi nghiêm trọng: Sản xuất tại cơ sở sản xuất chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất theo quy định hoặc thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản chứa chất bị cấm sử dụng theo quy định.
- Thuốc thú y thủy sản
+ Đạt:
++ Sử dụng thuốc thú y thủy sản theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn thuốc của cá nhân hành nghề thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;
++ Không sử dụng nguyên liệu thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh;
++ Không sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
+ Lỗi nặng: Sử dụng thuốc thú y không theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đơn thuốc của cá nhân hành nghề thú y, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
+ Lỗi nghiêm trọng: Sử dụng nguyên liệu thuốc thú y để phòng bệnh, chữa bệnh; sử dụng thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc thú y cấm sử dụng, thuốc thú y hết hạn sử dụng, thuốc thú y chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Xử lý chất thải
+ Đạt: Có nơi chứa, xử lý chất thải và tách biệt với khu vực nuôi, không làm ảnh hưởng đến môi trường.
+ Lỗi nặng: Không có nơi chứa, xử lý chất thải hoặc nơi chứa, xử lý chất thải không tách biệt với khu vực nuôi hoặc cả hai trường hợp.
- Người trực tiếp sản xuất
+ Đạt: Người trực tiếp sản xuất bảo đảm sức khỏe để sản xuất (có giấy khám sức khỏe hàng năm), được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định.
+ Lỗi nhẹ: Công nhân không có giấy khám sức khỏe hoặc được trang bị bảo hộ lao động nhưng không đầy đủ hoặc cả hai trường hợp.
- Ghi chép, truy xuất nguồn gốc
+ Đạt: Ghi chép hoạt động sản xuất từ thả giống đến quản lý ao, thủy sản nuôi, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
+ Lỗi nhẹ: Có ghi chép nhưng không đầy đủ thông tin.
+ Lỗi nặng: Không có nhật ký hoặc không ghi chép việc sử dụng thuốc thú y thủy sản để phòng, trị bệnh cho thủy sản nuôi.
Xem chi tiết tại Thông tư 32/2022/T-BNNPTNT.
Xem Mẫu Biên bản thẩm định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở nuôi trồng thủy sản mới nhất Tại đây.
Thông tư 32/2022/T-BNNPTNT chính thức có hiệu lực từ ngày 15/02/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Biên bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất? Hai bên có thể thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động không?
- Sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng có khả năng gây mất an toàn là gì? Yêu cầu chung về quản lý chất lượng như thế nào?
- Tổng hợp mẫu vẽ tranh vẽ ngày tết đơn giản 2025 đẹp nhất? Đánh giá định kỳ, thường xuyên học sinh tiểu học thế nào?
- Thẩm quyền ký thỏa thuận cấp bảo lãnh, cam kết bảo lãnh và văn bản cam kết phát hành thư bảo lãnh theo Thông tư 61/2024?
- Lời dẫn chương trình Tết cho trẻ mầm non năm Ất Tỵ 2025? Lời dẫn chương trình lễ hội mùa xuân cho trẻ mầm non 2025?