Trẻ em bất ngờ lao ra đường dẫn đến tai nạn giao thông, ai chịu trách nhiệm? Người lái xe có phải chịu trách nhiệm gì không?
Trẻ em bất ngờ lao ra đường dẫn đến tai nạn giao thông, ai chịu trách nhiệm?
Hiện nay, có xảy ra một số trường hợp những hộ gia đình ở sát đường để trẻ em di chuyển trực tiếp vào những làn đường giao thông. Trong một số tình huống chủ quan và thiếu quan sát của phụ huynh, trẻ em đã bất ngờ lao ra đường và các phương tiện tham gia giao thông lúc bấy giờ không phản ứng kịp dẫn đến tai nạn giao thông. Như vậy, trường hợp này pháp luật quy định chủ thể nào phải chịu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ 2008:
Người đi bộ
...
5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.
Theo đó, đối với trẻ em dưới 7 tuổi khi tham gia giao thông phải có sự giám sát của người lớn. Phụ huynh, người chăm sóc trẻ không được để trẻ em tự ý di chuyển vào những làn đường giao thông. Như vậy, trước hết lỗi để trẻ em chạy ra đường thuộc về người chăm sóc trẻ.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Như vậy, thông thường đối với người chưa đủ 15 tuổi thì cha, mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra từ hành vi để trẻ em bất ngờ lao ra đường dẫn đến tai nạn giao thông.
Trẻ em bất ngờ lao ra đường dẫn đến tai nạn giao thông, ai chịu trách nhiệm? Người lái xe có phải chịu trách nhiệm gì không? (Hình từ Internet)
Trẻ em bất ngờ lao ra đường dẫn đến tai nạn giao thông, người lái xe chịu trách nhiệm gì?
Đối với câu hỏi này cần phân tích tình huống thành hai trường hợp sau đây:
- Đối với trường hợp trẻ em bất ngờ lao ra đường mà người lái xe không thể quan sát được có thể được coi là tình trạng bất khả kháng và người lái xe không có lỗi để xảy ra thiệt hại, căn cứ khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015:
Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
...
3. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:
a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, nếu tai nạn giao thông xảy ra do do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên thiệt hại, thì người lái xe được miễn trừ bồi thường thiệt hại dân sự.
- Đối với trường hợp người lái xe có thể quan sát và phát hiện ra bé trai trước đó. Và buộc phải lường trước được tình huống bé trai đó sẽ chạy qua đường, đồng thời phải có những xử lý như giảm tốc độ. Mà chủ quan không thực hiện thì không được coi là tình trạng bất khả kháng. Trường hợp này người lái xe phải bồi thường thiệt hại, căn cứ khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngoài ra, trường hợp này người lái xe có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông đối với xe mô tô, gắn máy và các loại xe tương tự, căn cứ theo điểm b khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Còn đối với xe ô tô có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, căn cứ điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Hơn nữa, trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tính mạng con người, thì người lái xe có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ - Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Các khoản bồi thường khi gây tai nạn giao thông?
Sau khi xác định được chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thì người bồi thường thiệt hại trong một vụ tai nạn giao thông có thể phải chịu những khoản tiền sau:
+ Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm - Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015;
+ Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm - Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015;
+ Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm - Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguyên tắc làm việc của Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành VII là gì? Quy định về xây dựng phương án tổ chức kiểm toán năm ra sao?
- Mẫu Biên bản cuộc họp giữa 2 công ty mới nhất? Hướng dẫn viết biên bản cuộc họp giữa 2 công ty?
- Tổ chức truyền dạy của chủ thể di sản văn hóa phi vật thể có thể truyền dạy cho người ngoài cộng đồng được không?
- Xe gắn máy có thuộc đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo quy định hiện nay không?
- Thế chấp tàu biển là gì? Nguyên tắc thế chấp tàu biển Việt Nam được pháp luật quy định thế nào?