Tổng cục Thuế điện khẩn giảm thuế GTGT từ ngày 01/7/2023? Lập hoá đơn giảm thuế GTGT năm 2023 theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP như thế nào?
Tổng cục Thuế điện khẩn giảm thuế GTGT từ ngày 01/7/2023?
Thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 và Nghị định 44/2023/NĐ-CP, Tổng cục Thuế đã có Công điện 05/CĐ-TCT năm 2023 điện khẩn về việc giảm thuế GTGT năm 2023.
Công điện nêu rõ, Ngày 30/6/2023, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.
Theo đó, Nghị định quy định giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/7/2023 đến hết 31/12/2023 đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% trừ một số nhóm hàng hóa dịch vụ.
Tổng cục Thuế yêu cầu các Cục Thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện nghị định quy định giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 101/2023/QH15.
Xem toàn bộ Công điện 05/CĐ-TCT về việc giảm thuế GTGT 2023 tại đây.
>> CHÍNH THỨC CÓ NGHỊ ĐINH 94/2023/NĐ-CP GIẢM THUẾ GTGT 2024
Tổng cục Thuế điện khẩn giảm thuế GTGT từ ngày 01/7/2023? Lập hoá đơn giảm thuế GTGT năm 2023 theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP như thế nào?
Mức giảm thuế GTGT năm 2023 được quy định như thế nào?
Như đã thống nhất tại Kỳ họp Quốc hội khoá XV, mức giảm thuế GTGT năm 2023 được hướng dẫn cụ thể tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP như sau:
- Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Được áp dụng mức thuế GTGT 8% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ áp dụng mức thuế 10% (trừ một số hàng hóa, dịch vụ không được giảm).
- Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu: Được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế nêu trên.
Lập hóa đơn giảm thuế GTGT năm 2023 theo Nghị định 44/2023/NĐ-CP như thế nào?
Thủ tục thực hiện giảm thuế GTGT khi lập hóa đơn theo khoản 3 Điều 1 Nghị định 44/NĐ-CP như sau:
- Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
Khi lập hoá đơn GTGT cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT, tại dòng thuế suất thuế GTGT ghi “8%”; tiền thuế GTGT; tổng số tiền người mua phải thanh toán.
Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau thì trên hóa đơn giá trị gia tăng phải ghi rõ thuế suất của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định.
- Đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu:
Khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế GTGT:
+ Tại cột “Thành tiền”: ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm;
+ Tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu;
Đồng thời ghi chú: “đã giảm... (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết 101/2023/QH15”.
Trường hợp cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thì khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì trên hóa đơn bán hàng phải ghi rõ số tiền được giảm theo quy định.
Lưu ý:
Cơ sở kinh doanh đã lập hoá đơn, kê khai theo mức thuế suất hoặc tỷ lệ % để tính thuế GTGT chưa được giảm: Người bán và người mua lập biên bản/có văn bản thoả thuận ghi rõ sai sót; người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót và giao cho người mua.
Thời điểm xác định thuế GTGT được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng:
- Đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với dịch vụ viễn thông là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
- Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.
- Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.
- Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải mẫu thông báo dữ liệu phản ánh vi phạm giao thông 2025? Ai tiếp nhận thông tin hình ảnh vi phạm giao thông do cá nhân cung cấp?
- Công trình xây dựng có quy mô lớn thì tiến độ xây dựng công trình cần phải được lập như thế nào?
- Cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho việc xây dựng mới đối với công trình xây dựng thuộc khu vực có quy hoạch phân khu xây dựng được không?
- Mẫu công văn từ chối nhận hàng dành cho bên mua mới nhất? Bên mua chỉ có quyền từ chối nhận hàng khi nào?
- Quyền và nghĩa vụ của bên nhận bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 ra sao? Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm những gì?