Thực hiện rà soát cơ sở kinh doanh hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao ở khu dân cư đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC như thế nào?
- Năm 2023 về sau, tăng cường phối hợp để rà soát, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao ở khu dân cư, đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như thế nào?
- Cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất dễ cháy, nổ phải tuân thủ các yêu cầu gì?
- Thế nào là khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao?
- Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư là gì?
Bộ Công Thương mới đây đã có Quyết định 899/QĐ-BCT năm 2023 ban hành ngày 12/04/2023 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Theo Bộ Công thương, việc ban hành kế hoạch này nhằm tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; xác định rõ mục tiêu cụ thể cho các đơn vị trong việc tổ chức thực hiện.
Năm 2023 về sau, tăng cường phối hợp để rà soát, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao ở khu dân cư, đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như thế nào?
Thực hiện Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định 899/QĐ-BCT năm 2023 trong năm 2023 đến các năm tiếp theo:
- Bộ Công Thương tăng cường phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW nhằm rà soát các cơ sở kinh doanh, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy nổ cao ở khu dân cư, nơi tập trung đông người để có kế hoạch di dời, đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) (theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 630/QĐ-TTg năm 2020).
- Đồng thời, Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.
Năm 2023 về sau, thực hiện rà soát cơ sở kinh doanh hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao ở khu dân cư đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC như thế nào? (Hình internet)
Cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất dễ cháy, nổ phải tuân thủ các yêu cầu gì?
- Cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất dễ cháy, nổ phù hợp với tiêu chí ghi nhận tương ứng một trong các hình đồ cảnh báo GHS01, GHS02, GHS03, GHS04 (sau đây gọi tắt là hóa chất dễ cháy, nổ) phải tuân thủ các yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hóa chất dễ cháy, nổ được quy định cụ thể tại Mục 8 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05A:2020/BCT như sau:
- Về bố trí, sắp xếp hóa chất:
+ Kho chứa hóa chất dễ cháy, nổ phải cách ly với lửa và nguồn nhiệt.
+ Khoảng cách an toàn tối thiểu từ khu vực bảo quản hóa chất dễ cháy đến nguồn phát sinh nhiệt, tia lửa điện theo bảng sau:
Khu vực bảo quản đến khu vực khác | Khoảng cách an toàn tối thiểu (m) |
Khu vực lưu chứa chất lỏng dễ cháy bên trong phương tiện chứa đóng kín | 3 |
Khu vực lưu chứa chất lỏng dễ cháy đang san chiết, khuấy trộn | 8 |
Các cơ sở có hóa chất dễ cháy, nó có thể duy trì khoảng cách an toàn lớn hơn tùy thuộc vào đánh giá rủi ro công việc phát sinh nhiệt và các biện pháp phòng ngừa sự cố cháy nổ.
+ Hóa chất dễ cháy, nổ không để cùng với ô xy, các chất có khả năng sinh ra ô xy, các hóa chất nguy hiểm có đặc tính không tương thích, các chất có yêu cầu về phương pháp chữa cháy khác nhau hoặc có khả năng tạo phản ứng nguy hiểm khi tiếp xúc hoặc cháy.
+ Cấm để thiết bị, đường ống chứa hóa chất dễ cháy, nổ gần nguồn phát nhiệt. Trường hợp có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, phải có biện pháp hạ nhiệt (sơn phản xạ hoặc tưới nước,...);
- Về hệ thống điện, hệ thống thông gió:
+ Hệ thống điện ở những nơi có hóa chất dễ cháy, nổ phải đảm bảo các yêu cầu về: dụng cụ điện, thiết bị điện, thiết bị chiếu sáng phải là loại an toàn cháy, nổ và có cấp phòng nổ tương ứng với môi trường hơi, khi dễ cháy, nổ; không được đặt dây cáp điện trong cùng một đường rãnh ngầm hoặc nơi có ống dẫn hơi, khí, chất lỏng dễ cháy, nổ và aptomat, ổ cắm điện phải đặt ở ngoài khu vực chứa các hóa chất dễ cháy, nổ...
+ Hệ thống thông gió của kho chứa hóa chất dễ cháy, nổ phải được thông thoáng tốt đảm bảo nồng độ hơi hóa chất nhỏ hơn 10% giá trị giới hạn nổ dưới bằng các biện pháp thông gió tự nhiên hay cưỡng bức;
- Yêu cầu về thiết bị, dụng cụ, phương tiện chứa
+ Máy, thiết bị làm việc trong khu vực hóa chất dễ cháy, nó phải đảm bảo các yêu cầu chung về an toàn nổ theo quy định tại TCVN 3255 : 1986. Dụng cụ làm việc trong khu vực hóa chất dễ cháy, nổ phải có biện pháp kỹ thuật đảm bảo không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập
+ Các dụng cụ, thiết bị điện, thiết bị nâng lắp đặt và sử dụng bên trong kho phải là loại phòng chống cháy, nổ.
++ Thiết bị nâng, xe nâng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về phòng chống cháy, nổ theo tiêu chuẩn hiện hành. Không tiến hành các hoạt động sửa chữa, tiếp nhiên liệu, sạc điện bên trong kho chứa, nhà xưởng sản xuất, sử dụng hóa chất.
++ Dụng cụ mở phương tiện chứa hóa chất dễ cháy, nổ phải làm bằng vật liệu hoặc có biện pháp kỹ thuật đảm bảo không phát sinh tia lửa do ma sát hay va đập.
+ Phương tiện chứa hóa chất lỏng dễ cháy, nổ phải giữ đúng hệ số đầy quy định tuỳ theo đặc tính hóa lý của chất lỏng đó; phương tiện chứa lớn phải có van xả một chiều, van ngắt lửa kèm bích an toàn phòng nổ; bích an toàn phòng nổ phải làm bằng vật liệu không cháy, nổ; đầu ống dẫn hóa chất dễ cháy, nổ vào phương tiện chứa phải sát mép hoặc sát đáy; phương tiện chứa chịu áp lực phải có van an toàn xả quá áp.
Tình trạng hoạt động của các phương tiện chứa phải được kiểm tra định kỳ ít nhất 01 lần 01 tháng. Cơ sở có hóa chất nguy hiểm có trách nhiệm lưu giữ biên bản kiểm tra đến lần kiểm tra tiếp theo và xuất trình cho cơ quan quản lý có thẩm quyền khi được yêu cầu.
+Phương tiện chứa hóa chất dễ cháy, nổ dưới tác dụng của ánh sáng, phải được làm bằng vật liệu có màu cản được ánh sáng hoặc được bọc bằng các vật liệu ngăn ngừa ánh sáng. Các cửa kính của kho chứa phải được sơn cản ánh sáng hoặc dùng kính mờ.
Thế nào là khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao?
Căn cứ quy định tại Điều 6 Thông tư 149/2020/TT-BCA thì khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao là khu dân cư khi có một trong các tiêu chí như sau:
- Có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ.
- Có tối thiểu 20% hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất dễ cháy, nổ trên tổng số nhà ở hộ gia đình.
- Có cơ sở chế biến, sản xuất, bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy nổ; cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với khu dân cư là gì?
- Căn cứ khoản 2 Điều 6 Nghị định 136/2020/NĐ-CP cũng quy định rõ khu dân cư phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
+ Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an
+ Có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan, phương tiện phòng cháy và chữa cháy bảo đảm số lượng và chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an
+ Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt
+ Có lực lượng dân phòng được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
- Bên cạnh đó, điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tại quy định trên phải được Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?
- Công bố hợp chuẩn là gì? Thủ tục công bố hợp chuẩn gồm bước nào? Đối tượng của công bố hợp chuẩn là gì?
- Cục Công nghệ thông tin thuộc Kiểm toán nhà nước có trụ sở ở đâu? Gồm có những đơn vị nào theo quy định?
- Danh mục 06 lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định 13? Yêu cầu về kiểm kê khí nhà kính?
- Phụ lục Các nhóm sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo Thông tư 10? Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng?