Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra được thực hiện ở giai đoạn nào khi tiến hành thanh tra?
Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra thuộc giai đoạn khi tiến hành thanh tra?
Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật Thanh tra 2022 về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính như sau:
Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra hành chính
1. Chuẩn bị thanh tra, bao gồm các bước sau đây:
a) Thu thập thông tin để chuẩn bị thanh tra;
b) Ban hành quyết định thanh tra;
c) Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo;
d) Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra.
2. Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm các bước sau đây:
a) Công bố quyết định thanh tra;
b) Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;
c) Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;
d) Kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.
3. Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm các bước sau đây:
a) Báo cáo kết quả thanh tra;
b) Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra;
c) Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra;
d) Ban hành kết luận thanh tra;
đ) Công khai kết luận thanh tra.
Đồng thời, tại Điều 50 Luật Thanh tra 2022 trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành bao gồm:
Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành
1. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định như sau:
a) Chuẩn bị thanh tra, bao gồm: ban hành quyết định thanh tra; thông báo về việc công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật này.
Trường hợp để bảo đảm việc thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tránh chồng chéo, trùng lặp, trước khi ban hành quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có thể quyết định việc thu thập thông tin theo quy định tại Điều 58 của Luật này;
b) Tiến hành thanh tra trực tiếp, bao gồm: công bố quyết định thanh tra, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật này; thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình thanh tra (nếu có); kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp;
c) Kết thúc cuộc thanh tra, bao gồm: báo cáo kết quả thanh tra; xây dựng dự thảo kết luận thanh tra; thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, trừ trường hợp không cần thiết phải thẩm định quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật này; ban hành kết luận thanh tra; công khai kết luận thanh tra.
Dựa trên những quy định pháp luật nêu trên, thông báo về việc công bố quyết định thanh tra thuộc giai đoạn đầu tiên của quá trình thanh tra - Giai đoạn "Chuẩn bị thanh tra".
Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra được thực hiện ở giai đoạn nào khi tiến hành thanh tra? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào không cần thông báo về việc công bố quyết định thanh tra?
Theo Điều 63 Luật Thanh tra 2022 quy định về nội dung thông báo công bố quyết định thanh tra như sau:
Thông báo về việc công bố quyết định thanh tra
1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra; văn bản thông báo phải nêu rõ địa điểm, thời gian, thành phần tham dự.
2. Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành, trường hợp phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì không thông báo việc công bố quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 63 Luật Thanh tra 2022 có đề cập đến việc phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay thì không cần phải thông báo về việc công bố quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra.
Như vậy, Trưởng đoàn thanh tra không cần thông báo về việc công bố quyết định thanh tra cho đối tượng thanh tra khi có 02 điều kiện sau;
- Là cuộc thanh tra chuyên ngành;
- Phát hiện hành vi vi phạm cần phải tiến hành thanh tra ngay.
Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra bao gồm những ai?
Nội dung buổi công bố quyết định thanh tra được quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Thanh tra 2022 và khoản 2 Điều 64 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Công bố quyết định thanh tra
1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chủ trì công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra chủ trì việc công bố quyết định thanh tra.
2. Thành phần tham dự buổi công bố quyết định thanh tra bao gồm: Đoàn thanh tra, đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra mời đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành thanh tra, đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tham dự buổi công bố quyết định thanh tra.
Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập thành biên bản.
Theo đó, thành phần có mặt tại buổi công bố quyết định thanh tra bao gồm:
- Chủ trì: Trưởng đoàn thanh tra hoặc Người ra quyết định thanh tra (Trong trường hợp cần thiết);
- Thành phần tham dự:
+ Đoàn thanh tra;
+ Đại diện lãnh đạo cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân là đối tượng thanh tra;
+ Đại diện lãnh đạo cơ quan tiến hành thanh tra (Trong trường hợp cần thiết);
+ Đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Trong trường hợp cần thiết).
Từ ngày 01/07/2023, Luật Thanh tra 2022 sẽ chính thức có hiệu lực.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy định 22 về đình chỉ sinh hoạt đảng? Đảng viên bị khởi tố có bị đình chỉ sinh hoạt đảng không?
- Số lượng thành viên Hội đồng quản lý đơn vị sự nghiệp y tế công lập có bắt buộc phải là số lẻ không?
- Dịch vụ ngân quỹ là gì? Những nội dung tối thiểu cần có trong hợp đồng cung ứng dịch vụ ngân quỹ?
- Thiết kế sơ bộ trong xây dựng là thiết kế thể hiện những gì? Yêu cầu đối với thiết kế xây dựng?
- Nguồn phát thải khí nhà kính là gì? Nguồn phát thải khí nhà kính từ sản xuất vật liệu xây dựng gồm những gì?