Theo Nghị định 62/2012/NĐ-CP, việc xác định nạn nhân bị mua bán phải dựa vào bao nhiêu nguồn tài liệu, chứng cứ?
Theo Nghị định 62/2012/NĐ-CP, việc xác định nạn nhân bị mua bán phải dựa vào bao nhiêu nguồn tài liệu, chứng cứ?
Căn cứ Nghị định 62/2012/NĐ-CP quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.
Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2012/NĐ-CP có nêu về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân bị mua bán như sau:
Căn cứ để xác định nạn nhân
...
2. Việc xác định nạn nhân phải dựa vào các nguồn tài liệu, chứng cứ sau:
a) Tài liệu, chứng cứ do cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp;
b) Thông tin, tài liệu do cơ quan giải cứu nạn nhân cung cấp;
c) Thông tin, tài liệu do Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp;
d) Tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cung cấp;
đ) Lời khai, tài liệu do nạn nhân cung cấp;
e) Lời khai, tài liệu do người thực hiện hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này cung cấp;
g) Lời khai, tài liệu do những người biết sự việc cung cấp;
h) Các thông tin, tài liệu hợp pháp khác.
Như vậy, theo quy định thì việc xác định nạn nhân bị mua bán dựa vào 08 nguồn tài liệu, chứng cứ nêu trên.
Theo Nghị định 62/2012/NĐ-CP, việc xác định nạn nhân bị mua bán phải dựa vào bao nhiêu nguồn tài liệu, chứng cứ? (Hình từ Internet)
Có những biện pháp nào để bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán, người thân thích của họ?
Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 62/2012/NĐ-CP, tùy từng trường hợp cụ thể và điều kiện thực tế, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ sau đây để bảo đảm an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ:
- Giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ.
- Giữ bí mật các thông tin về đời tư, đặc điểm nhân dạng, nơi cư trú, làm việc, học tập và các thông tin khác có liên quan đến người được bảo vệ.
- Bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi cư trú, làm việc, học tập, đi lại của người được bảo vệ, tại phiên tòa và những nơi cần thiết khác.
- Hạn chế phạm vi đi lại, giao tiếp của người được bảo vệ.
- Bố trí nơi tạm lánh cho người được bảo vệ.
- Bố trí nơi ở, nơi làm việc, học tập mới cho người được bảo vệ.
- Áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật;
- Xét xử kín.
Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân bị mua bán ra sao?
Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định 62/2012/NĐ-CP như sau:
Trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp bảo vệ
1. Tổ chức, cá nhân đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có văn bản đề nghị gửi cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp có thể đề nghị trực tiếp hoặc qua điện thoại và các hình thức thông tin, liên lạc khác nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải ghi rõ: Thời gian, địa điểm làm văn bản; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, nghề nghiệp, nơi cư trú của người làm văn bản; đề nghị bảo vệ cho ai; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, nghề nghiệp, nơi cư trú của người được đề nghị bảo vệ (nếu người làm văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ cho người khác); lý do đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và những nội dung khác có liên quan.
2. Cơ quan nhận được đề nghị bảo vệ phải xem xét, xác định sự cần thiết áp dụng các biện pháp bảo vệ. Trường hợp có căn cứ cho rằng nạn nhân, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ thì ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì phải có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân đề nghị bảo vệ biết rõ lý do.
3. Trong quá trình thụ lý vụ việc nếu có căn cứ cho rằng nạn nhân, người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và cần phải áp dụng biện pháp bảo vệ thì người có thẩm quyền quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định này ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ.
4. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ phải ghi rõ: Thời gian, địa điểm ra quyết định; tên cơ quan có trách nhiệm bảo vệ; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán, nghề nghiệp, nơi cư trú của người được bảo vệ; các biện pháp bảo vệ được áp dụng; thời gian bắt đầu áp dụng biện pháp bảo vệ và những nội dung khác có liên quan đến việc bảo vệ.
5. Trường hợp khẩn cấp, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ có thể điều động lực lượng, phương tiện đến bảo vệ hoặc bố trí nơi tạm lánh để bảo đảm an toàn cho người được bảo vệ trước khi ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
6. Trong quá trình bảo vệ, nếu phát sinh yêu cầu cần áp dụng thêm biện pháp bảo vệ thì người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định bổ sung quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ.
7. Khi người được bảo vệ không còn bị xâm hại, đe dọa bị xâm hại thì người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ. Quyết định chấm dứt áp dụng biện pháp bảo vệ phải ghi rõ lý do chấm dứt biện pháp bảo vệ.
8. Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, quyết định bổ sung quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, quyết định chấm dứt biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, cơ quan yêu cầu áp dụng biện pháp bảo vệ và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Như vậy, việc áp dụng các biện pháp bảo vệ nạn nhân bị mua bán được thực hiện theo trình tự, thủ tục nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Quy định 225-QĐ/TW về giải mật thông tin công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng ra sao?
- Người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không phải khai tổng hợp trong những trường hợp nào?
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng theo Thông tư 61/2024 bao gồm những gì? Quy định về cam kết bảo lãnh ra sao?
- Các đài truyền hình ngừng phát sóng theo Kế hoạch 141 về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy?
- Hệ số trượt giá BHXH năm 2025 mới nhất như thế nào? Trường hợp nào người lao động không phải đóng BHXH bắt buộc?