Tên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được đặt thế nào? Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm là gì?
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên có vị trí pháp lý như thế nào?
Căn cứ Điều 2 Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT quy định vị trí pháp lý của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên như sau:
Vị trí pháp lí và quản lý nhà nước đối với Trung tâm
1. Trung tâm là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
2. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo; hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi Trung tâm đặt trụ sở chính.
3. Trung tâm thực hiện tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật.
Như vậy, vị trí pháp lý của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.
Tên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Tên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được quy định như thế nào?
Theo Điều 3 Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT quy định về tên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên như sau:
Quy định đặt tên của Trung tâm
1. Việc đặt tên Trung tâm được quy định như sau:
a) Tên Trung tâm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên + tên riêng hoặc tên địa danh.
b) Tên riêng của Trung tâm phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của Trung tâm; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
2. Tên Trung tâm được ghi trên quyết định thành lập Trung tâm, con dấu của Trung tâm, biển hiệu và giấy tờ giao dịch.
3. Biển hiệu Trung tâm ghi những nội dung sau:
a) Góc phía trên, bên trái
- Dòng thứ nhất: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tên tỉnh;
- Dòng thứ hai: Cơ quan chủ quản của Trung tâm.
- Ở giữa ghi tên Trung tâm theo quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Dưới cùng là địa chỉ, số điện thoại, email, website (nếu có) của Trung tâm.
Như vậy, tên của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên được đặt như sau:
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên + tên riêng hoặc tên địa danh.
Tên riêng của Trung tâm phải bảo đảm rõ ràng, minh bạch, không gây hiểu sai về tổ chức và hoạt động của Trung tâm; phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên là gì?
Tại Điều 4 Quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên ban hành kèm theo Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên như sau:
(1) Tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục, đào tạo:
- Chương trình xóa mù chữ.
- Chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.
- Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng thuộc các lĩnh vực: giáo dục pháp luật, văn hóa, xã hội, thể thao, nghệ thuật, môi trường, sức khỏe, kinh tế, tài chính; các chương trình giáo dục kỹ năng; các chương trình chuyển giao công nghệ trong lao động, sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.
- Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp.
(2) Điều tra nhu cầu học tập, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trên địa bàn, xác định nội dung học tập, đề xuất với sở giáo dục và đào tạo, chính quyền địa phương việc tổ chức các chương trình giáo dục, đào tạo và hình thức học phù hợp với từng loại đối tượng.
(3) Phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên khác trên địa bàn để thực hiện các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, hoạt động trải nghiệm và các hoạt động giáo dục hỗ trợ khác theo nhu cầu của người học, của các nhà trường.
(4) Thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp hoặc liên kết đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; liên kết đào tạo đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
(5) Thực hiện quyền tự chủ theo quy định của pháp luật và một số quy định cụ thể sau đây:
- Quyết định mục tiêu, sứ mạng, chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm;
- Quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển Trung tâm; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc Trung tâm;
- Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí đối với chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học theo các quy định về tự chủ tài chính đối với Trung tâm;
- Tuyển sinh và quản lý người học; phát triển chương trình giáo dục; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn tài liệu học tập phù hợp với mục tiêu giáo dục của từng chương trình; quản lý và cấp chứng chỉ cho người học theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch phát triển của Trung tâm; đảm bảo chất lượng giáo dục của Trung tâm; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định.
(6) Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.
(7) Xây dựng, đầu tư, quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục theo yêu cầu của chương trình giáo dục, đào tạo.
(8) Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức; tổ chức cho nhà giáo cập nhật, nâng cao kỹ nghề nghiệp; tổ chức cho nhà giáo, viên chức và người học tham gia các hoạt động xã hội.
(9) Thực hiện quy chế dân chủ trong Trung tâm.
(10) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và có trách nhiệm giải trình trước cơ quan có thẩm quyền, người học và xã hội.
(11) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/02/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 25 12 âm lịch năm nay là bao nhiêu dương? Ngày 25 12 âm lịch người lao động được nghỉ Tết chưa?
- Tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế từ ngày 6/2/2025 như thế nào? Quy định về đối tượng đăng ký thuế 2025 ra sao?
- Giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam ngắn gọn? Các ngày lễ, tết truyền thống của Việt Nam? Tết diễn ra vào ngày nào đến ngày nào?
- Bảng tiêu chí xếp hạng cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo Thông tư 11? Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý bao nhiêu?
- Phân biệt biển báo cấm dừng xe và cấm đỗ xe 2025? Lỗi đỗ xe không bật đèn cảnh báo ô tô phạt bao nhiêu 2025?