TCVN 10406:2015 quy định về tài liệu mưa tiêu đối với công trình thuỷ lợi như thế nào? Cơ cấu sử dụng đất trong vùng tiêu ra sao?
TCVN 10406:2015 quy định về tài liệu mưa tiêu đối với công trình thuỷ lợi như thế nào?
TCVN 10406:2015 quy định về tài liệu mưa tiêu đối với công trình thuỷ lợi như sau:
- Trận mưa sử dụng trong tính toán hệ số tiêu thiết kế là trận mưa gây úng có thể xuất hiện trong vùng tiêu tương ứng với tần suất thiết kế. Tuỳ thuộc vào đặc điểm xuất hiện của các trận mưa gây úng và yêu cầu tiêu nước trong vùng, trận mưa dùng để tính toán hệ số tiêu thiết kế có thể là trận mưa gây úng một ngày (X1 d), hai ngày (X2 d), ba ngày (X3 d ), năm ngày (X5 d) hoặc bảy ngày (X7 d).
- Phân tích kỹ số liệu thống kê các trận mưa gây úng đã xuất hiện trong vùng tiêu thông qua các đặc tính cơ bản sau đây của trận mưa để lựa chọn dạng mô hình trận mưa tiêu thiết kế và thời gian tiêu nước phù hợp. Nếu gặp phải trường hợp có một số dạng mô hình trận mưa gây úng có số lần xuất hiện xấp xỉ nhau (về số ngày mưa và dạng phối lượng mưa) thì chọn dạng bất lợi hơn:
+ Tính chất bao của các trận mưa gây úng (số trận mưa gây úng một ngày nằm trong trận mưa gây úng ba ngày, số trận mưa gây úng ba ngày nằm trong trận mưa gây úng năm ngày, số trận mưa gây úng năm ngày nằm trong trận mưa gây úng bẩy ngày trong tổng số các trận mưa gây úng đã thống kê được). Nếu tính chất bao này là phổ biến (có số lần xuất hiện lớn hơn 50 %) thì trận mưa gây úng dài ngày sẽ nguy hiểm hơn các trận mưa ngắn ngày.
+ Số ngày mưa phổ biến của các trận mưa gây úng (xem 3.10) và dạng phân phối thường gặp của mô hình trận mưa gây úng (có số lần xuất hiện nhiều nhất).
+ Thời kỳ tiêu nước (một tháng hoặc một số tháng liên tục trong mùa mưa) có số lần xuất hiện trận mưa gây úng nhiều nhất năm. Thời kỳ có số trận mưa gây úng xuất hiện chiếm từ 90 % số trận mưa gây úng của năm trở lên là thời kỳ tiêu nước 1.
+ Thời gian ngừng mưa sau các trận mưa gây úng (còn gọi là khoảng thời gian ngừng mưa giữa hai trận mưa gây úng liên tiếp xuất hiện).
- Mô hình trận mưa thiết kế để tính toán hệ số tiêu cho vùng tiêu có nhiều đối tượng tiêu nước khác nhau hoặc tính hệ số tiêu cho từng loại đối tượng tiêu nước cùng có mặt trong vùng tiêu là mô hình trận mưa ngày gây úng (có số ngày mưa là 3 d, 5 d hoặc 7 d tương ứng với tần suất thiết kế.
- Đối với các khu đô thị từ loại đặc biệt đến đến loại III và các khu công nghiệp tập trung, hoặc trong trường hợp cần tính toán hệ số tiêu để thiết kế các công trình tiêu riêng cho khu vực này thì dùng mô hình mưa giờ của hai ngày mưa gây úng (48 h) tương ứng với tần suất thiết kế.
- Tính toán hệ số tiêu thiết kế theo kịch bản phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng với mốc thời gian dự báo từ 10 năm trở lên thì mô hình mưa tiêu thiết kế phải xét đến tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Căn cứ vào các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, tư vấn thiết kế đề xuất mức độ tác động của biến đổi khí hậu làm thay đổi về tổng lượng trận mưa tiêu và thay đổi về phân phối mô hình mưa tiêu thiết kế cho phù hợp.
TCVN 10406:2015 quy định về tài liệu mưa tiêu đối với công trình thuỷ lợi như thế nào? (Hình từ Internet)
Cơ cấu sử dụng đất trong vùng tiêu được quy định như thế nào tại TCVN 10406:2015?
Tại TCVN 10406:2015 quy định về cơ cấu sử dụng đất trong vùng tiêu được quy định như sau:
- Cần thu thập các số liệu về cơ cấu sử dụng đất trên vùng tiêu bao gồm bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất, diện tích và tỷ lệ diện tích của từng loại đất theo hiện trạng sử dụng đất và theo quy hoạch sử dụng đất đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
- Tài liệu về các loại đất trong vùng tiêu phải được phân tích và nhóm lại thành từng loại đối tượng tiêu nước theo 3.13.
- Nếu vùng tiêu chưa có quy hoạch sử dụng đất phù hợp với mốc thời gian tính toán hệ số tiêu trong tương lai thì phải căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mức độ biến động về cơ cấu sử dụng đất trong những năm gần đây cũng như các điều kiện cụ thể của vùng tiêu để dự báo hoặc xây dựng kịch bản về tỷ lệ diện tích các loại đối tượng tiêu nước cho phù hợp.
Yêu cầu chung đối trong việc tính toán hệ số tiêu thiết kế đối với công trình thủy lợi tại TCVN 10406:2015 như thế nào?
Tại TCVN 10406:2015 yêu cầu trong việc tính toán hệ số tiêu thiết kế đối với công trình thủy lợi như sau:
- Hệ số tiêu thiết kế phải đáp ứng được yêu cầu chịu ngập cho phép của các đối tượng tiêu nước có mặt trong vùng tiêu.
- Khi tính toán hệ số tiêu phải chia thời gian tiêu nước T thành nhiều thời đoạn nhỏ DT để tính toán hệ số tiêu cho từng thời đoạn. Tuỳ từng trường hợp cụ thể của vùng tiêu mà thời đoạn tính toán DT có thể chia theo ngày hoặc theo giờ. Trong từng thời đoạn tiêu nước DT đã chia, hệ số tiêu tính cho một diện tích đơn vị (có diện tích 01 ha), được xác định trên cơ sở giải bài toán cân bằng nước giữa đại lượng đầu vào và đại lượng đầu ra để tìm ra độ sâu lớp nước cần tiêu thoả mãn yêu cầu về tiêu của các đối tượng trên lưu vực nghiên cứu:
+ Đại lượng đầu vào bao gồm lượng nước đến (lượng nước mưa) trong thời đoạn tính toán và lượng nước có sẵn đầu thời đoạn tính toán.
+ Lượng nước đầu ra bao gồm lượng nước tiêu đi, lượng nước tổn thất trong thời đoạn tính toán và lượng nước còn lại cuối thời đoạn tính toán.
- Tính toán chế độ tiêu nước mưa cho vùng tiêu phải tuân thủ nguyên tắc: “chôn nước, rải nước (phân tán nước) và tháo nước có kế hoạch”. Vùng tính toán hệ số tiêu phải có hệ thống các công trình tiêu nước và điều tiết nước (bao gồm bờ ruộng, kênh mương, cống tiêu và các công trình trên kênh tiêu) hoàn chỉnh từ đầu mối đến mặt ruộng.
- Tuỳ thuộc vào yêu cầu tiêu nước của từng loại đối tượng có mặt trong vùng tiêu cũng như dạng mô hình mưa tiêu thiết kế là mưa ngày hay mưa giờ mà hệ số tiêu tính toán cho từng đối tượng tiêu nước là hệ số tiêu trung bình của từng ngày, trung bình của từng giờ hoặc trung bình của một số giờ mưa trong thời gian tiêu. Hệ số tiêu thiết kế của vùng có nhiều đối tượng tiêu nước khác nhau là hệ số tiêu trung bình ngày có trị số lớn nhất.
- Trước khi đề xuất giải pháp hiệu chỉnh giản đồ hệ số tiêu của vùng nêu tại 7.2, phải điều tra khảo sát và nghiên cứu kỹ ngoài thực địa cũng như điều kiện thực tế của vùng tiêu để lựa chọn giải pháp phù hợp. Khi lựa chọn giải pháp lợi dụng khả năng chịu ngập của cây lúa để trữ thêm một lớp nước cần tiêu trên ruộng lúa hoặc chọn giải pháp làm hồ điều hòa để điều tiết hệ số tiêu, cần xác định sơ bộ vị trí và diện tích của từng loại đất có thể thực hiện nhiệm vụ này cũng như độ sâu có khả năng trữ nước và điều tiết nước của từng khu trữ.
- Trong lưu vực của một công trình đầu mối tiêu có thể bố trí nhiều hồ điều hòa, mỗi hồ phụ trách một lưu vực độc lập (một tiểu vùng) bố trí ở khu vực cuối kênh chuyển nước từ tiểu vùng ra nơi nhận nước tiêu. Nếu chỉ bố trí một hồ điều hòa thì hồ bố trí càng gần vị trí công trình đầu mối thì hiệu quả điều tiết nước và giảm nhẹ hệ số tiêu cho lưu vực của công trình tiêu càng lớn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Những ai được bắt người đang bị truy nã? Có được bắt người đang bị truy nã vào ban đêm hay không?
- Thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là bao lâu? Theo Luật Đất đai 2024 chuyển nhượng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng có được không?
- Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở có phải cơ sở xác định tổng mức đầu tư xây dựng không?
- Thời hạn sử dụng của đất trồng cây lâu năm theo hình thức giao đất tối đa hiện nay là bao nhiêu?
- Bị mất Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì có được cấp lại không? Ai có thẩm quyền cấp lại giấy chứng nhận?