Định hướng và mục tiêu trong việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền được hướng dẫn như thế nào?

Tôi muốn biết quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền được theo Nghị quyết mới nhất. Mong được cung cấp thông tin!

Bối cảnh về kinh tế ở khu vực biên giới đất liền

Khu vực biên giới là một địa bàn trọng yếu, đóng vai trò là “phên dậu” của quốc gia, với đường biên giới trên đất liền trải dài hơn 5.000 km bao gồm nhiều cửa khẩu thông với các nước láng giềng nên việc phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội trên khu vực này rất quan trọng và cần thiết nhằm phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, qua đó tạo điều kiện cho kinh tế của một vùng, một địa phương cũng như kinh tế của cả quốc gia phát triển, góp phần tăng cường, mở rộng và nâng cao hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa nước ta với các nước láng giềng (Trung Quốc, Lào, Campuchia) và các nước khác trong khu vực.

Trong bối cảnh kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và chăm lo đầu tư xây dựng, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khu vực biên giới. Nhờ đó, kinh tế - xã hội khu vực biên giới đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2020, kinh tế các tỉnh biên giới và khu vực biên giới tiếp tục duy trì tăng trưởng dương, nhiều địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung cả nước, đặc biệt sản xuất nông nghiệp tại khu vực biên giới đã đóng góp cùng với ngành nông nghiệp cả nước thể hiện vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế trong lúc khó khăn, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch, kim ngạch thương mại biên giới đạt 30 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng kim ngạch thương mại của cả nước nói chung và 21,5% tổng kim ngạch thương mại với Trung Quốc, Lào, Campuchia nói riêng. Đến nay, đã thành lập 26 khu kinh tế cửa khẩu trên cả 03 tuyến biên giới với Lào, Campuchia và Trung Quốc; các tỉnh biên giới, khu vực biên giới đã có 267 cụm công nghiệp hoạt động, chiếm 36,6% cụm công nghiệp đã hoạt động của cả nước; các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và năng lượng tái tạo tại các khu vực biên giới đã đóng góp đến 44% tổng sản lượng điện toàn quốc, góp phần củng cố an ninh năng lượng, bảo đảm sản xuất và nâng cao đời sống cho người dân; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tuyến biên giới được củng cố và giữ vững. Hệ thống đường biên giới, mốc giới về cơ bản đã được hoạch định. Quan hệ giữa người dân và lực lượng bảo vệ biên giới đất liền nước ta và các nước láng giềng được tăng cường, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Tuy nhiên, với trình độ và cơ hội phát triển chênh lệch, kinh tế - xã hội vùng biên giới còn chậm phát triển so với mặt bằng chung của tỉnh biên giới và cả nước, kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo, công nghiệp và thương mại dịch vụ nhìn chung chưa phát triển, chưa có sản phẩm chủ lực, sức cạnh tranh yếu, thương mại tiểu ngạch vẫn là chủ yếu, hạ tầng thương mại hạn chế,... Do vậy, để khai thác tốt các tiềm năng và lợi thế tại khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế biên giới, cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát các chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển để điều chỉnh và có những giải pháp phù hợp với thực tế.

Quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền được hướng dẫn như thế nào theo Nghị quyết mới nhất năm 2022 của Chính phủ?

Quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền được hướng dẫn như thế nào theo Nghị quyết mới nhất năm 2022 của Chính phủ?

Quan điểm, định hướng về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền

Theo mục I Nghị quyết 23/NQ-CP năm 2022 về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền thì quan điểm, định hướng trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền được đề cập như sau:

- Phát triển kinh tế khu vực biên giới bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với điều ước quốc tế liên quan tới thương mại biên giới, quy chế quản lý biên giới, quy chế cửa khẩu biên giới mà Việt Nam là thành viên.

- Phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới, thu hẹp chênh lệch vùng miền là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa của cả nước và của các địa phương có biên giới, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.

- Phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của các vùng, miền. Đa dạng và tăng cường huy động, thu hút, xã hội hóa các nguồn lực để đầu tư phát triển nhanh, bền vững khu vực biên giới, trong đó, ngân sách Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong việc dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực khác, ưu tiên hợp lý nguồn vốn đầu tư công phù hợp với khả năng cân đối với ngân sách địa phương để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đầu tư các dự án, công trình thực sự cấp bách, thiết yếu về y tế, giáo dục, hạ tầng giao thông phù hợp quy hoạch và có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

- Các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được đề xuất tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khu vực biên giới; đồng thời có tác động khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của đồng bào, khát vọng vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, khá giả, phát triển cùng cộng đồng, cùng đất nước.

- Phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới đất liền gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường tiềm lực và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền, lãnh thổ. Tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân khu vực biên giới.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triệt để thực hiện phân cấp, giao quyền, xác định rõ và gắn trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và Nhân dân trong việc triển khai quyết liệt các chủ trương, chính sách, phát triển bền vững kinh tế - xã hội một cách toàn diện tạo cơ hội phát triển mạnh mẽ cho khu vực biên giới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc và chính sách thương mại biên giới.

Mục tiêu trong việc phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền

Theo mục Nghị quyết 23/NQ-CP năm 2022 về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền thì mục tiêu trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền được đề cập như sau:

- Phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng biên giới gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp chênh lệch vùng, miền; cải thiện rõ rệt và nâng cao chất lượng đời sống, sức khỏe của nhân dân.

- Từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên thông, tổng thể, mang tính hiện đại tại các khu vực biên giới, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các nước có chung đường biên giới đất liền qua các cửa khẩu.

- Phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa tốt đẹp, tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và nguồn lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới.

- Phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù, khác biệt của vùng biên giới để phát triển các lĩnh vực kinh tế, nhất là du lịch cộng đồng, thương mại biên giới, thu hút đầu tư, tổ chức lại sản xuất phù hợp, hiệu quả.

- Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và giữ vững niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng biên giới; đoàn kết, hợp tác biên giới với các nước láng giềng.

- Sắp xếp đồng bộ dân cư, giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn ở khu vực biên giới.

- Thúc đẩy ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phục vụ cho việc phát triển các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội cho người dân khu vực biên giới.

Khu vực biên giới đất liền
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Thư viện nhà đất
Trong việc xây dựng, quản lý, bảo vệ khu vực biên giới đất liền, trách nhiệm của Bộ Công Thương quy định như thế nào?
Pháp luật
Người nước ngoài khi vào khu vực biên giới đất liền có phải thông báo cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh không?
Pháp luật
Trong khu vực biên giới đất liền, mẫu biển báo khu vực biên giới phải đáp ứng các yêu cầu gì, vị trí cắm biển báo ở đâu?
Pháp luật
Người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam ở qua đêm tại khu vực biên giới đất liền thì phải đăng ký lưu trú tại cơ quan nào?
Pháp luật
Khu vực biên giới đất liền có cho phép người bị cấm đi khỏi nơi cư trú cư trú hay không theo quy định?
Pháp luật
Khu vực biên giới trên đất liền được quy định như thế nào theo Luật Biên giới quốc gia năm 2003?
Pháp luật
Theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP thì trong khu vực biên giới đất liền sẽ có những loại biển báo nào?
Pháp luật
Theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP, cư dân biên giới đất liền là ai? Cư dân biên giới không được thực hiện hành vi nào?
Pháp luật
Ai được cư trú ở khu vực biên giới đất liền theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ?
Pháp luật
Có bao nhiêu nhóm hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới đất liền theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP?
Pháp luật
Có mấy trường hợp tạm dừng hoạt động trong khu vực biên giới đất liền theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Khu vực biên giới đất liền
2,074 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Khu vực biên giới đất liền

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Khu vực biên giới đất liền

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào