QCVN 68:2013/BGTVT về xe đạp điện? Xe đạp điện cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như thế nào?
Xe đạp điện là gì?
Căn cứ tiểu mục 1.3 Mục 1 Quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVT, khái niệm xe đạp điện được định nghĩa như sau:
Xe đạp điện - Electric bicycles: là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250 W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40 kg.
QCVN 68:2013/BGTVT về xe đạp điện? Xe đạp điện cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như thế nào? (Hình từ Internet)
Phạm vi điều chỉnh QCVN 68:2013/BGTVT về xe đạp điện ra sao?
Quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVT về xe đạp điện do Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư 39/2013/TT-BGTVT ngày 01 tháng 11 năm 2013.
Theo đó, quy chuẩn này quy định các yêu cầu về chất lượng an toàn kỹ thuật và phương pháp thử đối với xe đạp điện (xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện).
Quy chuẩn QCVN 68:2013/BGTVT áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kiểm tra, thử nghiệm, quản lý và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện.
Xe đạp điện cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật như thế nào?
Căn cứ tiểu mục 2.1 Mục 2 Quy chuẩn 68:2013/BGTVT như sau:
QUY ĐỊNH KỸ THUẬT
2.1. Yêu cầu kỹ thuật
2.1.1. Yêu cầu chung
2.1.1.1. Xe và các bộ phận của Xe phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật và yêu cầu quy định tại Quy chuẩn này.
2.1.1.2. Các cơ cấu cố định của Xe phải được lắp chắc chắn đúng vị trí. Không có sự va chạm hoặc cọ xát giữa cơ cấu chuyển động và cố định.
2.1.1.3. Các bộ phận của Xe có thể tiếp xúc với người điều khiển hoặc người xung quanh không được có điểm nhọn, cạnh sắc.
2.1.1.4. Xe phải có: đèn chiếu sáng phía trước, tấm phản quang phía sau, thiết bị cảnh báo bằng âm thanh, thiết bị hiển thị mức năng lượng điện.
2.1.1.5. Cọc lái (nếu có) phải điều chỉnh được chiều cao, có dấu hiệu không dễ tẩy xóa để chỉ chiều sâu lắp nhỏ nhất giữa cọc lái với ống cổ càng lái. Chiều sâu lắp nhỏ nhất này không được nhỏ hơn 2,5 lần đường kính cọc lái tại vị trí lắp.
2.1.1.6. Cọc yên (nếu có) phải điều chỉnh được chiều cao, có dấu hiệu không dễ tẩy xóa để chỉ chiều sâu lắp nhỏ nhất giữa cọc yên với ống đứng của khung. Chiều sâu lắp nhỏ nhất này không được nhỏ hơn 2 lần đường kính cọc yên tại vị trí lắp.
2.1.2. Khối lượng bản thân của Xe (bao gồm cả ắc quy) phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật và không được lớn hơn 40 kg.
2.1.3. Động cơ điện của Xe
Công suất động cơ điện của Xe phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật và không được lớn hơn 250 W.
2.1.4. Vận tốc lớn nhất của Xe phải phù hợp với tài liệu kỹ thuật và không được lớn hơn 25 km/h.
2.1.5. Khả năng vận hành bằng cơ cấu đạp chân của Xe
Khi vận hành bằng cơ cấu đạp chân, Xe phải có khả năng đi được quãng đường 7 km trong thời gian không quá 30 phút.
2.1.6. Quãng đường đi được liên tục của Xe (chỉ áp dụng đối với Xe vận hành bằng động cơ điện)
Khi vận hành bằng động cơ điện, Xe phải đi được quãng đường liên tục không nhỏ hơn 45 km.
2.1.7. Tiêu hao năng lượng điện của xe phải phù hợp với công bố của nhà sản xuất trong tài liệu kỹ thuật.
2.1.8. Ắc quy của Xe
Tổng điện áp danh định của ắc quy không lớn hơn 48 V. Điện áp của ắc quy không được nhỏ hơn điện áp danh định và không vượt quá 15% so với điện áp danh định.
2.1.9. Hệ thống điện của Xe
2.1.9.1. Các cơ cấu của hệ thống điện phải được lắp đặt đúng vị trí và chiều cực. Dây điện phải được bọc cách điện, lắp đặt chắc chắn và không được cọ xát với các bộ phận chuyển động khác của xe. Các đầu nối dây điện phải được bọc kín.
2.1.9.2. Sau khi thử khả năng chịu nước, Xe phải hoạt động bình thường.
2.1.9.3. Khung xe, tay lái, hộp ắc quy và vỏ của động cơ phải được cách điện. Điện trở cách điện của các phần này không được nhỏ hơn 2 MW.
2.1.9.4. Bộ điều khiển điện của Xe
a) Phải có tính năng ngắt nguồn năng lượng điện cho động cơ khi phanh (chỉ áp dụng đối với Xe vận hành bằng động cơ điện).
b) Phải có tính năng ngắt nguồn năng lượng trợ lực điện khi ngừng đạp chân hoặc khi vận tốc của Xe lớn hơn 25 km/h (chỉ áp dụng đối với Xe trợ lực điện).
c) Phải có tính năng bảo vệ khi sụt áp, quá dòng.
2.1.10. Hệ thống phanh của Xe
2.1.10.1. Xe phải trang bị hai hệ thống phanh có cơ cấu điều khiển và dẫn động độc lập với nhau, trong đó ít nhất một hệ thống phanh tác động lên bánh trước và ít nhất một hệ thống phanh tác động lên bánh sau.
2.1.10.2. Quãng đường phanh không được lớn hơn 4 m.
2.1.11. Vận hành trên đường
Sau khi đi hết quãng đường 10 km ở điều kiện đầy tải, ở vận tốc lớn nhất có thể đối với Xe vận hành bằng động cơ điện, hoặc ở vận tốc 25 km/h đối với Xe trợ lực điện, bộ điều khiển điện của Xe phải điều khiển vận tốc của Xe một cách ổn định và tin cậy. Các bộ phận của xe phải đảm bảo các tính năng kỹ thuật và không có hiện tượng hư hỏng, nứt, gãy. Không cho phép có hiện tượng rò rỉ dung dịch ắc quy, dầu mỡ bôi trơn ở các mối ghép.
Như vậy, xe đạp điện cần phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật chung nêu trên.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Khi nào phải khai báo Mẫu số 05 - Tờ khai sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu?
- Doanh nghiệp mua xe cũ của khách hàng để bán lại có cần sang tên xe từ khách hàng qua công ty không?
- Sửa đổi Nghị định 24/2024/NĐ-CP về lựa chọn nhà thầu hướng dẫn Luật Đấu thầu 2023 theo dự thảo thế nào?
- Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân?
- Hướng dẫn ghi Phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên cơ sở phổ thông mới nhất?