Nội dung Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người? Toà án nhận định như thế nào?

Nội dung Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người? Toà án nhận định như thế nào? Câu hỏi của bạn T.Q ở Hà Nội

Tổng quan về Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người?

Án lệ số 66/2023/AL được công bố kèm theo Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023. Theo đó, tổng quan về Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người như sau:

Nguồn án lệ:

Bản án hình sự phúc thẩm số 86/2022/HS-PT ngày 17/02/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án “Mua bán người” đối với các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C.

Vị trí nội dung án lệ:

Đoạn 3, 5 và 6 phần “Nhận định của Toà án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

- Tình huống án lệ:

Bị cáo có hành vi lừa gạt, hứa hẹn về lợi ích với bị hại làm cho bị hại tin tưởng và tự nguyện theo bị cáo ra nước ngoài, sau đó bị cáo giao bị hại cho người khác để nhận tiền.

- Giải pháp pháp lý:

Trường hợp này, Tòa án phải xác định tội danh của bị cáo là tội “Mua bán người” mà không phải tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Quy định của pháp luật có liên quan:

- Điều 150 và Điều 349 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);

- Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự.

Từ khoá của án lệ:

“Tội mua bán người”; “Lừa gạt”; “Lấy chồng nước ngoài”.

Nội dung Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người? Toà án nhận định như thế nào?

Nội dung Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người? Toà án nhận định như thế nào? (Hình từ Internet)

Nội dung Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người?

Nội dung Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người theo công bố tại Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023 như sau:

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng tháng 08/2019, qua mạng xã hội Facebook, Trịnh Thị H quen người phụ nữ tên T (khoảng 30 tuổi) người ở tỉnh Bạc Liêu, hiện đang sinh sống ở Trung Quốc. T cho H biết ở tỉnh Hà Nam - Trung Quốc có nhiều người đàn ông Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam, nếu ai có nhu cầu lấy chồng Trung Quốc thì giới thiệu, mỗi trường hợp đưa được người sang Trung Quốc, T sẽ trả cho H 04 vạn nhân dân tệ (khoảng 120.000.000đ).

Sau khi biết được thông tin, H đăng bài vào hội nhóm “Môi giới kết hôn Trung - Hàn - Việt” trên mạng xã hội Facebook với nội dung “Hiện có rể người Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam có cô dâu nào thật lòng muốn lấy chồng, tìm kiếm hạnh phúc thì liên hệ” thì H được chị Bùi Thị N sinh năm 1991, trú tại xã Y, huyện G, tỉnh Hải Dương cũng là một trong những thành viên trong hội nhóm nhắn tin với nội dung “N có đứa em muốn lấy chồng Trung Quốc thì giúp đỡ”, đồng thời cho số điện thoại của chị N1 để trực tiếp liên lạc, hướng dẫn N1 kết hôn với người Trung Quốc.

Ngày 03/01/2020, H cùng Đặng Thị C (là mẹ nuôi H) đến nhà chị Nguyễn Thị N1, sinh năm 1991, ở xã T, huyện K, tỉnh Hải Dương trao đổi thông tin về việc kết hôn với người Trung Quốc, hướng dẫn N1 chuẩn bị các giấy tờ như: Hộ chiếu, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận tình trạng độc thân để làm thủ tục cấp visa nhập cảnh vào Trung Quốc. Nếu chị N1 và gia đình đồng ý sẽ nhận được tiền sính lễ 60.000.000 đồng từ nhà rể bên Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn T1 (bố đẻ chị N1) không đồng ý nên giữ lại các giấy tờ của chị N1. Chị N1 vì vẫn muốn sang Trung Quốc kết hôn nên liên lạc với H và được H hướng dẫn đến nhà Đặng Thị C để nói chuyện trực tiếp. Chiều ngày 03/01/2020, khi chị N1 đến nhà C, chị N1 gặp H và C, nhờ H tìm cách cho chị N1 đi sang Trung Quốc. H đã hướng dẫn chị N1 chuẩn bị căn cước công dân để H làm hộ chiếu cho N1 đi “chui” sang Trung Quốc, chị N1 đồng ý.

Ngày 06/01/2020, Trịnh Thị H nhờ anh Trần Văn H1 (chồng H) đón chị N1 ở khu vực cầu vượt 789, địa phận phường A, thành phố H, tỉnh Hải Dương lên thành phố Hà Nội làm hộ chiếu cho chị N1. Sáng ngày 07/01/2020, H tiếp tục nhờ anh H1 thuê xe taxi đưa chị N1 lên nhà nghỉ Y ở thành phố L, tỉnh Lạng Sơn. H không nói cho H1 biết mục đích việc làm hộ chiếu, thuê xe cho chị N1 đi Lạng Sơn.

Ngày 07/01/2020, H đưa cho C 4.500.000đ qua lái xe taxi (không nhớ tên, địa chỉ) để thanh toán tiền xe từ Hải Dương lên Lạng Sơn và thanh toán tiền nhà nghỉ, ăn uống của C và N1 ở nhà nghỉ Y, số tiền còn thừa C đổi được 300 nhân dân tệ để sử dụng chi phí trên đường đi đến tỉnh Hà Nam - Trung Quốc. Đồng thời, H cũng liên lạc với anh Vi Văn N2 là chủ nhà nghỉ Y nhờ xếp phòng nghỉ, thuê xe chở C, N1 đi đến tỉnh Hà Nam - Trung Quốc.

Ngày 08/01/2020, Trịnh Thị H đã đưa chị Nguyễn Thị N1 trốn sang Trung Quốc qua đường mòn biên giới thuộc huyện L1, tỉnh Lạng Sơn, còn C nhập cảnh vào Trung Quốc bằng hộ chiếu qua cửa khẩu Chi Ma, tỉnh Lạng Sơn. Đến điểm hẹn ở Trung Quốc, C và N1 tiếp tục đi xe ô tô đến tỉnh Hà Nam - Trung Quốc gặp mặt 01 người đàn ông Trung Quốc (không rõ tên) dự kiến cho chị N1 lấy làm chồng. Tuy nhiên, khi gặp mặt thì chị N1 không đồng ý, H bảo N1 ở lại nhà người đàn ông này chờ xem mặt rể khác, nếu không đồng ý N1 phải trả toàn bộ chi phí H đã bỏ ra để đưa N1 đi Trung Quốc. N1 đồng ý ở lại, nhưng do chờ lâu không xem mặt được người khác nên N1 đã đến nhà người quen ở tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc rồi trình báo Công an Trung Quốc để được về Việt Nam. Ngày 26/3/2020, Trạm Kiểm tra biên phòng xuất nhập cảnh Đông Hưng - Quảng Tây - Trung Quốc bàn giao chị Nguyễn Thị N1 cho Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 18/2021/HS-ST ngày 05 tháng 4 năm 2021, Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương quyết định:

1. Tuyên bố các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C phạm tội “Mua bán người”.

- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 150, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Trịnh Thị H. Xử phạt bị cáo Trịnh Thị H 09 (chín) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giữ 16/10/2020.

- Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 150, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đặng Thị C. Xử phạt Đặng Thị C 07 (bảy) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam 30/9/2020.

2. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Trịnh Thị H, bị cáo Đặng Thị C phải liên đới bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm và tổn thất tinh thần cho chị Nguyễn Thị N1 số tiền 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng); trách nhiệm cụ thể bị cáo Đặng Thị C phải bồi thường 10.000.000đ (mười triệu đồng), bị cáo Trịnh Thị H phải bồi thường 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

- Ngày 16/4/2021, bị cáo Đặng Thị C có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

- Ngày 16/4/2021, bị cáo Trịnh Thị H có đơn kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt.

- Ngày 21/4/2021, bị hại là chị Nguyễn Thị N1 có đơn kháng cáo quá hạn với nội dung yêu cầu tăng mức bồi thường danh dự nhân phẩm, tổn thất tinh thần lên mức 80.000.000 đồng và yêu cầu bồi thường các khoản tổn thất khác là 100.000.000 đồng.

Tại Quyết định giải quyết kháng cáo quá hạn số 36/2021/HSPT-QĐ ngày 17/7/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận đơn kháng cáo của chị Nguyễn Thị N1.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Các bị cáo và bị hại là chị Nguyễn Thị N1 do ông Nguyễn Văn T1 đại diện trình bày như sau:

- Các bị cáo C, H cùng trình bày nội dung như sau:

Các bị cáo thiếu hiểu biết pháp luật nên vô tình đã phạm tội, bản thân các bị cáo chỉ mong muốn giúp cho chị N1 lấy được chồng và chính chị N1 cũng mong muốn bị cáo giúp việc đó. Sau khi phạm tội, các bị cáo luôn thành khẩn khai báo, thái độ ăn năn hối cải, các bị cáo đều có nhân thân tốt, từ trước đến nay chưa từng vi phạm pháp luật; gia đình các bị cáo khó khăn, bản thân các bị cáo đều là lao động chính trong gia đình đang nuôi con nhỏ. Bị cáo C có bố mẹ đẻ được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen. Các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho các bị cáo.

- Bị hại trình bày:

Xác nhận tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đã bồi thường cho bị hại toàn bộ số tiền 30 triệu đồng như bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên và bị hại tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo; đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho các bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra, đánh giá các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã xử đúng người, đúng tội, mức án áp dụng đối với bị cáo là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã bồi thường cho bị hại toàn bộ số tiền 30 triệu đồng như bản án hình sự sơ thẩm đã tuyên và bị hại tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo, do có tình tiết mới nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo và áp dụng Điều 348, Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị hại; chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; sửa bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương theo hướng giảm một phần hình phạt cho các bị cáo (giảm cho các bị cáo từ 6 tháng đến 01 năm tù).

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị hại và các bị cáo.

Tòa án nhận định như thế nào về vụ án Mua bán người?

Căn cứu tại nội dung Án lệ số 66/2023/AL về việc xác định tội danh Mua bán người theo công bố tại Quyết định 364/QĐ-CA năm 2023, Tòa án nhận định như sau:

[1] Hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan điều tra, truy tố, Điều tra viên, Kiểm sát viên và người tiến hành tố tụng khác trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tại cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo, người bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.

[2] Về tội danh: Căn cứ vào lời khai của các bị cáo, của chị N1, người làm chứng, Biên bản giao nhận người giữa Công an Móng Cái với tổ chức R, Giấy chứng nhận về nước của Trạm quản lý xuất nhập cảnh Móng Cái và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, có căn cứ xác định bị cáo H và C đã thực hiện hành vi phạm tội như sau:

[3] H biết đàn ông Trung Quốc có nhu cầu lấy phụ nữ Việt Nam làm vợ thông qua người tên là T, quê ở tỉnh Bạc Liêu lấy chồng người Trung Quốc. T nói với H môi trường hợp đưa được người sang Trung Quốc, T trả cho H 04 vạn nhân dân tệ (tương đương với 120.000.000đ tiền Việt Nam). H bàn và thống nhất với C: H có trách nhiệm tìm người, sắp xếp đi lại, ăn nghỉ, liên hệ người nhận bên Trung Quốc và giá cả, còn C phụ trách phiên dịch, đưa người sang Trung Quốc, giao người và nhận tiền về đưa cho H, tiền trả cho C sẽ thống nhất sau. Nội dung này tại phiên tòa cơ bản bị cáo H, C thừa nhận, chỉ khác so với giai đoạn điều tra là: Bị cáo H khai sau khi bố chị N1 không đồng ý cho N1 lấy chồng Trung Quốc thì H và C mới phân công nhau, C thì cho rằng do H nhờ C đưa chị N1 sang Trung Quốc chứ không bàn bạc gì. Như vậy H và C có động cơ, mục đích là đưa phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc giao cho T để T gả bán cho đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ và được nhận tiền; H và C không có chức năng môi giới trong việc lấy vợ hoặc lấy chồng người nước ngoài, H và C không có ý thức đưa người khác trốn đi nước ngoài và trong vụ án này thì bị hại là chị N1 được các bị cáo C, H coi như một vật trao đổi để lấy tiền.

[4] Để thực hiện mục đích trên, ngày 03/01/2020, H và C đến nhà chị N1 hỏi nguyện vọng và thuyết phục chị N1 sang Trung Quốc lấy chồng, bằng thủ đoạn: Nói với chị N1 việc đàn ông Trung Quốc rất chiều vợ, cuộc sống bên đó rất sung sướng. Nếu chị N1 nhất trí lấy chồng Trung Quốc thì sẽ cho chị N1 xem mặt chú rể và làm thủ tục kết hôn tại Việt Nam, chị N1 sẽ được số tiền sính lễ 60.000.000đ và còn được tiền gửi về cho gia đình. Nội dung này bị cáo H đều thừa nhận, còn bị cáo C tại phiên tòa công nhận là có nói đàn ông Trung Quốc chiều chuộng, cuộc sống sung sướng, các nội dung khác đều không biết. Chị N1 nghe H và C nói vậy nên mới đồng ý mặc dù bố mẹ chị N1 không nhất trí cho chị N1 lấy chồng Trung Quốc. Ngày 06/01/2020, H cho người đến đón chị N1 đi Hà Nội làm hộ chiếu. Ngày 07/01/2020, H bố trí đưa chị N1 lên Lạng Sơn, đồng thời làm visa, đưa tiền cho C, bắt xe cho C lên Lạng Sơn gặp chị N1 ở nhà nghỉ Y. Ngày 08/01/2020, H và C đưa chị N1 đi đến tỉnh Hà Nam - Trung Quốc giao chị N1 cho T2 (là người của T) và C nhận 1.000 nhân dân tệ (theo chị N1 cung cấp), số tiền còn lại chuyển H sau. Chị N1 bị người của T đưa đi gặp 01 người đàn ông dự kiến lấy làm chồng nhưng chị N1 không nhất trí vì không phải người mà H và C giới thiệu trong ảnh khi ở Việt Nam. Chị N1 biết là mình bị lừa nên liên hệ với gia đình và người quen ở Trung Quốc để làm thủ tục trình báo với cơ quan chức năng Trung Quốc. Ngày 26/3/2020, chị N1 được bàn giao cho lực lượng Biên phòng Việt Nam tại cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh, trong văn bản có ghi bàn giao người bị bán sang Trung Quốc.

[5] Như vậy, bị cáo H và C bằng thủ đoạn lừa nói với chị N1 rằng kết hôn với đàn ông Trung Quốc được gặp mặt chú rể, làm thủ tục kết hôn tại Việt Nam, được tiền sính lễ, cuộc sống sung sướng, được tiền gửi về gia đình... Chị N1 tưởng là thật nên đã đi theo C sang Trung Quốc và bị H, C bán lấy tiền. Bị cáo C trình bày bị cáo không được H cho biết nội dung cụ thể của việc đưa chị N1 sang Trung Quốc làm gì mà chỉ giúp H đi phiên dịch và cầm tiền về. Tuy nhiên tại các biên bản lấy lời khai, bản tự khai trong giai đoạn điều tra, C thừa nhận C và H bàn nhau đưa phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng để kiếm tiền và có sự phân công nhiệm vụ của từng người, việc đưa người sang Trung Quốc được 04 vạn nhân dân tệ, C và H không nói cho N1 biết; ngày 03/01/2020 ở nhà C, chị N1 bảo bố chị N1 không đồng ý nên không có đủ giấy tờ để lấy chồng Trung Quốc, H bảo chị N1 nếu không có giấy tờ thì dẫn chị N1 “đi chui” và bảo C đưa chị N1 đi thì C đồng ý, C bảo chị N1 nếu có giấy tờ sang đó sẽ tốt hơn; H2 ở Lạng Sơn là người chở chị N đi đường khác sang Trung Quốc. Tại phiên tòa, bị cáo C thừa nhận trong giai đoạn điều tra không bị ép cung, mớm cung, dùng nhục hình, khai báo tự nguyện, đúng sự thật. Do đó, cơ cơ sở xác định giữa H và C có sự bàn bạc về việc đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán kiếm lời, C biết chị N1 không có đủ giấy tờ hợp pháp nhưng vẫn đưa chị N1 sang Trung Quốc, giao cho người khác để nhận tiền, C trình bày trước đây làm giúp việc ở Macau nhưng chỉ ở trong nhà, không biết đường đi lối lại ở Trung Quốc nhưng vẫn nói với chị N1 rằng lấy chồng Trung Quốc sung sướng để dụ dỗ, lừa chị N1 đồng ý cho C và H đưa chị N1 đi.

[6] Căn cứ vào hành vi các bị cáo đã thực hiện được mô tả như nêu trên, căn cứ vào hậu quả là chị N1 bị các bị cáo Trịnh Thị H và Đặng Thị C đưa sang Trung Quốc giao cho người đàn ông Trung Quốc để được nhận lợi ích vật chất là tiền. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Mua bán người” theo điểm d khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự và áp dụng mức hình phạt đối với các bị cáo theo khung hình phạt là phù hợp.

[7] Xét kháng cáo của các bị cáo:

[8] Tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình xét xử đánh giá vụ án đồng phạm giản đơn, trong đó xác định bị cáo Trịnh Thị H có vai trò cao hơn bị cáo Đặng Thị C. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá các bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Thành khẩn khai báo, thái độ ăn năn hối cải, hai bị cáo đều có nhân thân tốt, từ trước đến nay chưa từng vi phạm pháp luật, bị cáo C có bố mẹ đẻ được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen; từ đó, áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo H cao hơn mức hình phạt áp dụng đối với bị cáo C là đúng.

[9] Tại phiên tòa hôm nay, các bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho người bị hại toàn bộ số tiền 30 triệu đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên, bị hại trực tiếp nhận tại phiên tòa xác nhận là đúng và tự nguyện rút toàn bộ nội dung kháng cáo; đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử giảm hình phạt cho các bị cáo. Do tại phiên tòa có tình tiết giảm nhẹ mới áp dụng cho các bị cáo được quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự và đánh giá trong vụ án này thấy phía bị hại cũng có một phần lỗi khi tự nguyện để H và C đưa sang Trung Quốc nhằm mục đích kết hôn với đàn ông nước sở tại, hy vọng được đổi đời, có cuộc sống sung túc hơn. Hội đồng xét xử thấy có căn cứ áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự, giảm cho các bị cáo một phần hình phạt là đúng pháp luật.

[10] Xét kháng cáo của bị hại:

[11] Tại phiên tòa hôm nay, bị hại, đại diện theo ủy quyền của bị hại thừa nhận đã nhận đủ số tiền 30 triệu đồng do các bị cáo bồi thường và tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung kháng cáo. Thấy đây là ý chí tự nguyện của phía bị hại nên Hội đồng xét xử trên cơ sở đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, căn cứ Điều 348 Bộ luật Tố tụng hình sự quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của bị hại.

[12] Tổng hợp những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy có căn cứ chấp nhận kháng cáo của các bị cáo. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa là có căn cứ, được chấp nhận.

[13] Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Các bị cáo, bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

[14] Vì các lẽ trên, căn cứ Điều 348, Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phí và lệ phí; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Mua bán người
Căn cứ pháp lý
MỚI NHẤT
Pháp luật
Ngày 30 tháng 7 là ngày gì? Ngày 30 tháng 7 là thứ mấy? Có gì đặc biệt ngày 30 tháng 7 năm 2024 hay không?
Pháp luật
Cha mẹ có hành vi bán con thì có vi phạm pháp luật không? Hành vi bán con thì bị phạt tù bao nhiêu năm?
Pháp luật
Hợp tác quốc tế phòng chống mua bán người có cần đảm bảo chủ quyền độc lập hay không? Có cần phải tuân thủ các điều ước của quốc tế hay không?
Pháp luật
Hành vi mua bán người để bóc lột tình dục có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt tối đa bao nhiêu năm tù?
Pháp luật
Từ ngày 01/7/2025 nhiệm vụ của các cơ sở bảo trợ xã hội công lập như thế nào tại dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người?
Pháp luật
Chi tiết nhiệm vụ và giải pháp trong Kế hoạch phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người năm 2024 ra sao?
Pháp luật
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người năm 2024 ra sao?
Pháp luật
6 nội dung trong kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tội phạm và phòng, chống mua bán người năm 2024 là gì?
Pháp luật
Cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị mua bán phải có ít nhất bao nhiêu nhân viên? Ai có quyền cấp Giấy phép thành lập cơ sở này?
Pháp luật
Nạn nhân bị mua bán là công dân Việt Nam có được hỗ trợ chi phí để quay về nơi cư trú hay không?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Mua bán người
Tác giả Nguyễn Trần Hoàng Quyên Nguyễn Trần Hoàng Quyên Lưu bài viết
713 lượt xem
TÌM KIẾM LIÊN QUAN
Mua bán người

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về Mua bán người

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào