Những khoản trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn nghề nghiệp có phải là di sản thừa kế hay không?
Những khoản trợ cấp nào được nhận khi người lao động chết do tai nạn nghề nghiệp?
Theo quy định tại Điều 52 Luật Vệ sinh, an toàn lao động 2015, khi người lao động chết do tai nạn nghề nghiệp thì nhân thân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Các khoản trợ cấp được nhận như sau:
- Trợ cấp hưởng một lần;
- Trợ cấp mai táng là khoản trợ cấp dành cho người lo mai táng cho người lao động đã đóng đủ 12 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu mà chết (theo khoản 1 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014) đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện;
- Trợ cấp tuất: Là khoản tiền của chế độ tử tuất mà cơ quan bảo hiểm xã hội trả cho người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội/bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chết. Trợ cấp tuất được trả theo hai hình thức: Trả hàng tháng hoặc trả một lần.
Đối với trường hợp người lao động chết do tai nạn nghề nghiệp mà nguyên nhân xảy ra tai nạn hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất bằng 12 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động theo quy định tại Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Những khoản trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn nghề nghiệp có phải là di sản thừa kế hay không? (Hình ảnh từ Internet)
Mức hưởng từ những khoản trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn nghề nghiệp là bao nhiêu?
- Đối với mức hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu tháng lương cơ sở: theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng. Tương đương với khoản trợ cấp được nhận = 36 x 1.490.000 = 53.640.000 đồng;
- Trợ cấp mai táng: Theo khoản 2 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 mức trợ cấp mai táng sẽ bằng mười tháng lương cơ sở. Tương đương = 10 x 1.490.000 = 14.900.000 đồng;
- Trợ cấp tử tuất: Hiện có hai hình thức chi trả trợ cấp tuất là tuất hàng tháng và tuất một lần. Trong đó, mức hưởng của hai hình thức này được quy định cụ thể tại Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tương ứng như sau:
+ Trợ cấp tuất hàng tháng: Mỗi thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng: 745.000 đồng/tháng; Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: 1.043.000 đồng/tháng.
+ Trợ cấp tuất một lần: - Người lao động đang tham gia/bảo lưu thời gian đóng BHXH = (1,5 x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x số năm đóng BHXH trước 2014) hoặc (2 x bình quân tiền lương tháng đóng BHXH x số năm đóng BHXH sau 2014).
Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu chết được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng; nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 03 tháng lương hưu đang hưởng.
Những khoản tiền trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn nghề nghiệp có phải là di sản thừa kế hay không?
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015, di sản thừa kế được hiểu là bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.
Theo đó di sản thừa kế sẽ gồm hai loại sau:
- Tài sản riêng: Tài sản riêng của cá nhân có thể được hình thành từ các nguồn như thu nhập từ lao động sản xuất, kinh doanh, được tặng cho riêng, được thừa kế riêng, quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ, thu nhập khác… Cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng nhằm phục vụ nhu cầu vật chất cho cuộc sống, sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh và các mục đích khác không trái pháp luật. Khi cá nhân chết đi, tài sản thuộc sở hữu riêng là một phần của di sản thừa kế.
- Tài sản chung: tài sản chung có thể được hình thành trong quá trình kết hôn, sống chung của vợ và chồng. Khi một bên chết trước thì về nguyên tắc, toàn bộ tài sản chung sẽ được chia đôi, một nửa thuộc sở hữu riêng của người còn sống, một nửa thuộc về di sản thừa kế của người đã chết. Hoặc tài sản được thành lập với người khác thông qua các hoạt động như góp vốn kinh doanh, đầu tư hay góp vốn thông qua các hình thức khác nhau để mua sắm tài sản, sản xuất, kinh doanh chung hoặc các nhu cầu chung khác. Để xác định được phần tài sản chung đối với chủ sở hữu khác cần phải thông qua việc định giá tài sản đó.
Từ những phân tích trên có thể thấy, di sản thừa kế phải là tài sản do người chết để lại (là toàn bộ tài sản riêng của người chết hoặc là phần tài sản của người đó trong tài sản chung với người khác).
Còn tiền từ các khoản trợ cấp khi người lao động chết là khoản tiền do bảo hiểm xã hội chi trả cho người thân của người lao động nên không thể coi đây là tài sản riêng của người lao động đã chết được. Vì thế nó không phải là di sản thừa kế.
Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động không còn ai là người thân theo quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì tiền trợ cấp tuất một lần mới được xem là di sản và chia theo quy định về thừa kế.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bị vu khống trộm cắp tài sản xử lý như thế nào? Vu khống người khác trộm cắp tài sản có thể bị phạt bao nhiêu năm tù?
- Giáng sinh ngày mấy tháng mấy? Lễ Giáng sinh là lễ lớn ở Việt Nam? Công dân có những quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nào?
- Hội đồng thẩm định thanh lý rừng trồng hoạt động theo chế độ gì? Thành phần tham gia xác minh, kiểm tra hiện trường thanh lý rừng trồng?
- 06 nguyên tắc thực hiện dân chủ trong hoạt động của Bộ Tài chính? Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ?
- Tải về mẫu quyết định thưởng lương tháng 13? Công ty có nghĩa vụ thưởng lương tháng 13 cho người lao động?