Nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư cần phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài không?
Nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư cần đáp ứng điều kiện gì?
Theo quy định tại Điều 66 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Đầu tư 2020.
- Hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép. Trường hợp pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
- Có tài khoản vốn theo quy định tại Điều 65 của Luật Đầu tư 2020.
Việc chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư bắt buộc phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về việc nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư, bao gồm:
- Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư
- Khảo sát thực địa
- Nghiên cứu tài liệu
- Thu thập và mua tài liệu, thông tin có liên quan đến lựa chọn dự án đầu tư
- Tổng hợp, đánh giá, thẩm định, kể cả việc lựa chọn và thuê chuyên gia tư vấn để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư;
- Tổ chức hội thảo, hội nghị khoa học;
- Thành lập và hoạt động của văn phòng liên lạc ở nước ngoài liên quan đến việc hình thành dự án đầu tư;
- Tham gia đấu thầu quốc tế, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên mời thầu, quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư liên quan đến điều kiện tham gia đấu thầu, điều kiện thực hiện dự án đầu tư;
- Tham gia mua bán, sáp nhập công ty, đặt cọc, ký quỹ hoặc các hình thức bảo lãnh tài chính khác, thanh toán chi phí, lệ phí theo yêu cầu của bên bán công ty hoặc theo quy định pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư;
- Đàm phán hợp đồng;
- Mua hoặc thuê tài sản hỗ trợ cho việc hình thành dự án đầu tư ở nước ngoài.
Việc chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối, xuất khẩu, hải quan, công nghệ.
Hạn mức chuyển ngoại tệ theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 31/2021/NĐ-CP không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp Chính phủ có quy định khác.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết về quản lý ngoại hối đối với việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thực hiện hoạt động quy định tại Điều 82 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Việc chuyển vốn bằng máy móc, thiết bị và hàng hóa ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam để thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hải quan. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết việc chuyển máy móc, thiết bị và hàng hóa ra nước ngoài để thực hiện hoạt động quy định tại Điều 82 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
Nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để thực hiện hoạt động đầu tư cần phải có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài không?
Trường hợp nào nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài?
Nhà đầu tư được giữ lại lợi nhuận thu từ đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp sau đây (quy định tại Điều 67 Luật Đầu tư 2020):
+ Tiếp tục góp vốn đầu tư ở nước ngoài trong trường hợp chưa góp đủ vốn theo đăng ký;
+ Tăng vốn đầu tư ra nước ngoài;
+ Thực hiện dự án đầu tư mới ở nước ngoài.
Tuy nhiên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 63 Luật Đầu tư 2020 đối với các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 67 Luật Đầu tư 2020; thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định tại Điều 61 Luật Đầu tư 2020 đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 67 Luật Đầu tư 2020.
Thời gian nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về nước là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 68 Luật Đầu tư 2020 như sau:
Trừ trường hợp giữ lại lợi nhuận, trong vòng 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.
Trong thời hạn nêu trên mà không chuyển lợi nhuận và các khoản thu nhập khác về Việt Nam thì nhà đầu tư phải thông báo trước bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thời hạn chuyển lợi nhuận về nước được kéo dài không quá 12 tháng kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều Điều 68 Luật Đầu tư 2020.
Trường hợp quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều Điều 68 Luật Đầu tư 2020 mà chưa chuyển lợi nhuận về nước và không thông báo hoặc trường hợp quá thời hạn được kéo dài quy định tại khoản 2 Điều Điều 68 Luật Đầu tư 2020 mà nhà đầu tư chưa chuyển lợi nhuận về nước thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thời gian nhà đầu tư phải chuyển toàn bộ lợi nhuận thu được và các khoản thu nhập khác từ đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam là trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn tự đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp? Tải về Mẫu phiếu tự đánh giá mới nhất?
- Hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước của tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- DAV là đại học gì? Ban Giám đốc Học viện Ngoại giao gồm những ai? Những nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao?
- Đại lý thuế có cung cấp dịch vụ thực hiện thủ tục đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế thay người nộp thuế?
- Tiêu chuẩn để xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp vũ trang quần chúng theo Thông tư 93 như thế nào?