Người thực hiện giám sát trong hoạt động thanh tra là ai? Người thực hiện giám sát có nhiệm vụ, quyền hạn gì?
Người thực hiện giám sát thanh tra là ai?
Hiện nay pháp luật chưa có quy định định nghĩa cụ thể khái niệm người thực hiện giám sát.
Tuy nhiên có thể xác định dựa vào nội dung tại khoản 1 Điều 97 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên Đoàn thanh tra
1. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra ra quyết định giao công chức hoặc thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra (sau đây gọi chung là người thực hiện giám sát), trong đó xác định rõ nội dung, thành phần, thời gian và phương thức giám sát. Quyết định giám sát được ban hành cùng thời điểm ban hành quyết định thanh tra hoặc trong quá trình tiến hành thanh tra khi có thông tin, phản ánh, kiến nghị, tố cáo về hoạt động của Đoàn thanh tra.
Theo đó, có thể hiểu: Người thực hiện giám sát là công chức được người ra quyết định thanh tra giao cho nhiệm vụ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
Trong nhiều trường hợp, người ra quyết định thanh tra sẽ thành lập Tổ giám sát. Khi đó, thành viên của Tổ giám sát vẫn được hiểu là người thực hiện giám sát.
Người thực hiện giám sát trong hoạt động thanh tra là ai? Người thực hiện giám sát có nhiệm vụ, quyền hạn gì? (Hình từ Internet)
Người thực hiện giám sát có nhiệm vụ, quyền hạn ra sao?
Nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát được quy định tại Điều 99 Luật Thanh tra 2022 như sau:
Nhiệm vụ, quyền hạn của người thực hiện giám sát
1. Xây dựng kế hoạch giám sát trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt.
2. Làm việc với Đoàn thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung giám sát. Người thực hiện giám sát chỉ làm việc với đối tượng thanh tra khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.
3. Yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu sau đây:
a) Quyết định thanh tra, quyết định gia hạn thời hạn thanh tra, quyết định đình chỉ, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra, quyết định sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra, đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo, văn bản chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra;
b) Báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên khác của Đoàn thanh tra với Trưởng đoàn thanh tra và của Trưởng đoàn thanh tra với người ra quyết định thanh tra;
c) Đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra (nếu có);
d) Tài liệu khác theo chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra.
4. Báo cáo người ra quyết định thanh tra về nội dung theo kế hoạch giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và nội dung khác theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; trường hợp hoạt động của Đoàn thanh tra không đúng với kế hoạch tiến hành thanh tra hoặc phát hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra thì phải báo cáo người ra quyết định thanh tra để xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy, người thực hiện giám sát có 04 nhiệm vụ, quyền hạn chính sau:
- Xây dựng kế hoạch giám sát;
- Làm việc với:
+ Đoàn thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung giám sát;
+ Đối tượng thanh tra khi có yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.
- Yêu cầu Đoàn thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu của cuộc thanh tra;
- Báo cáo người ra quyết định thanh tra về việc thực hiện kế hoạch giám sát Đoàn thanh tra và nội dung khác theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra.
Việc tổ chức giám sát, báo cáo kết quả giám sát được thực hiện ra sao?
Căn cứ theo nội dung được quy định tại Điều 101 Luật Thanh tra 2022, việc tổ chức giám sát, báo cáo kết quả giám sát được xác định như sau:
Tổ chức việc giám sát, báo cáo kết quả giám sát
1. Việc giám sát được thực hiện trên cơ sở kế hoạch giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra được người ra quyết định thanh tra phê duyệt.
2. Người thực hiện giám sát tiến hành xem xét, đánh giá báo cáo của Đoàn thanh tra và thông tin, tài liệu khác có liên quan đến nội dung trong kế hoạch giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
3. Chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp, người thực hiện giám sát phải gửi báo cáo kết quả giám sát đến người ra quyết định thanh tra; trường hợp giám sát đột xuất theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra thì thời hạn gửi báo cáo do người ra quyết định thanh tra quyết định.
4. Kết quả giám sát là một trong các căn cứ để người ra quyết định thanh tra xem xét, ban hành kết luận thanh tra.
Như vậy, nội dung thực hiện tổ chức việc giám sát, báo cáo kết quả giám sát bao gồm những thông tin nêu trên.
Trong đó, thời gian gửi báo cáo kết quả giám sát là chậm nhất 15 ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra trực tiếp.
Luật Thanh tra 2022 sẽ chính thức được áp dụng kể từ ngày 01/07/2023.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu biên bản xử lý học sinh vi phạm nội quy nhà trường 2024 2025 các cấp? Biên bản xử lý học sinh vi phạm 2024 2025?
- Bằng chứng khách quan và ý kiến chủ quan là gì? Cho ví dụ về bằng chứng khách quan và ý kiến chủ quan?
- Mẫu bài phát biểu trao Huy hiệu Đảng? Tải bài phát biểu trao tặng Huy hiệu Đảng file word ở đâu?
- Thitructuyen qti vn vào thi, đăng ký? Vào thi Cuộc thi tìm hiểu Cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tỉnh Quảng Nam?
- Kịch bản Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 ý nghĩa? Kịch bản Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18 11 2024?